Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một đề xuất đã được các đại biểu đưa ra là thay đổi giờ làm việc sang khung giờ mới, từ 8h30 - 17h cùng ngày, thay vì ngày làm việc bắt đầu vào lúc 7h30 như hiện nay. Trong đó, giờ nghỉ trưa chỉ còn 1 tiếng. Theo lý giải, giờ làm việc này sẽ tiệm cận với giờ làm việc của các nước trên thế giới, giúp Việt Nam hòa nhập hơn, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian và tăng năng suất.
Tuy nhiên, trái với quan điểm này, nhiều người lao động lại cho rằng giờ làm việc này là không phù hợp. Theo ý kiến của một số lao động làm việc tại khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tuy họ không theo khung giờ này nhưng lại bị ảnh hưởng đối với giờ đưa con đi học hoặc khi có việc phải đến các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo ca, nếu tạo thuận lợi cho người lao động, việc đổi giờ theo khung giờ mới này là không phù hợp bởi phải rút ngắn giờ nghỉ trưa.
Ngược lại, với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đây mới là khung giờ làm việc thích hợp. Chỉ tính riêng việc không bị ách tắc khi đi lại trong giờ cao điểm đã mang tới tinh thần làm việc rất tốt cho người lao động vào đầu ngày.
Lẽ dĩ nhiên việc áp dụng khung giờ nào, thay đổi khung giờ nào là thích hợp vẫn cần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có những nghiên cứu kỹ càng. Việc thay đổi giờ làm việc không chỉ thay đổi thói quen về giờ giấc mà còn phải tính đến yếu tố ngành nghề, sự khác biệt về vùng miền. Khi đó, việc thay đổi sẽ tạo được sự đồng thuận tốt hơn từ người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!