Sáng 31/10, trong buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đã đưa ra đề nghị về việc điều chỉnh giờ làm việc từ 8h30 và kết thúc lúc 17h, nghỉ trưa 1 tiếng thay vì bắt đầu từ 7h30 và nghỉ trưa từ 1,5 đến 2 tiếng như hiện nay. Ngay lập tức cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều ý kiến bình luận xoay quanh đề nghị này.
Phân tích tác dụng của việc thay đổi thời gian làm việc và nghỉ trưa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng lợi ích trước tiên là về giao thông khi mọi người có đủ thời gian để đi học, đi làm không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngoài ra, hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể.
Về lợi ích sức khỏe người lao động, các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra việc nghỉ trưa 20 - 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, nâng cao hiệu quả làm việc. Nghỉ trưa kéo dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh huyết áp, mỡ máu, tim mạch…
Thêm nữa, việc điều chỉnh giờ làm việc cũng giúp các cơ quan tiết kiệm được năng lượng đáng kể do không sử dụng thiết bị chiếu sáng trong khoảng 1 đến gần 2 tiếng trong ngày.
Phần lớn độc giả tán thành đề nghị này, tuy nhiên cũng có một số người chưa đồng tình.
Câu chuyện giờ làm việc có lẽ còn tranh cãi dài bởi có sự khác biệt lớn trong cách thức sinh hoạt, điều kiện hạ tầng giữa các thành phố lớn và thành phố nhỏ.
Tuy nhiên, bắt đầu làm việc từ mấy giờ và kết thúc khi nào có lẽ không quan trọng bằng việc bạn làm việc ra sao. Làm thế nào để 8 tiếng ở cơ quan phải là những giờ phút lao động thực sự, chất lượng và sáng tạo nhất mỗi ngày thay vì kiểu làm việc một cách thụ động và hời hợt.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!