Trần Công Nguyên và các đồng nghiệp mở triển lãm tranh "Chạm vào ký ức" tại Hà Nội.
Triển lãm "Chạm vào kí ức" là cuộc gặp gỡ của 5 họa sĩ trẻ Lâm Tráng, Trần Nguyên, Đắc Tưởng, Bùi Huân và Hoàng Quốc Tuấn. Triển lãm được diễn ra trong thời điểm mà cơn bão số 3 vừa đi qua và để lại những hậu quả nghiêm trọng tới các tỉnh phía Bắc.
"Với ý tưởng ban đầu, chỉ đơn thuần anh em hoạ sĩ chúng tôi muốn phô diễn cho người thưởng thức nghệ thuật chiêm ngưỡng những kí ức xưa cũ, những hoài niệm đẹp đẽ qua ngôn ngữ hội hoạ. Nhưng những trận thiên tai vừa qua, đã càn quét qua phố phường, làng quê.. quật ngã những cây cổ thụ hay những ngôi nhà cũ. Những hình ảnh mà có thể sau này chúng ta không thể nhìn thấy lại được nữa. Triển lãm "Chạm vào kí ức" như một điểm chạm, giúp người thưởng lãm nghệ thuật có thể hồi tưởng lại, ngắm nhìn lại những gì thuộc về cái xưa cũ, thuộc về kí ức.. những thứ đẹp đẽ đã trở thành hoài niệm của bao nhiêu thế hệ."
Họa sĩ Trần Công Nguyên tâm huyết với cuộc triển lãm
Họa sĩ Trần Công Nguyên chia sẻ, không có quá nhiều khó khăn để các anh gặp nhau, đồng cảm và cùng chung ý tưởng thực hiện triển lãm. Vì trong quá trình làm việc của anh và các đồng nghiệp luôn có sự tìm tòi và nghiên cứu về yếu tố liên quan trong tác phẩm. "Có chăng thì là những cái khó khi chúng tôi là những hoạ sĩ trẻ, mà muốn khắc hoạ những gì thuộc về hoài niệm, về kí ức thì cần tìm tòi những nguồn tư liệu rất nhiều."
Đơn cử như Trần Nguyên, Lâm Tráng. Vẽ về những vùng quê, đường làng, góc bếp. Thì những hoạ sĩ sẽ phải tìm hiểu kĩ càng về các vật dụng thân thuộc nơi xó bếp. Hay là phải đi tới tận nơi những vùng miền đó, tìm hiểu về cảnh quan nơi đó trước kia trông ra sao, để thực hiện lại một cách tình cảm nhất, truyền tải được cái tinh thần của vùng đất và câu chuyện ở đó. Hay như nghệ sĩ Gốm - Bùi Huân. Dẫu cho được sinh ra tại làng nghề truyền thống Gốm Phù Lãng, với 10 năm kinh nghiệm làm gốm. Những đôi khi anh vẫn gặp những khó khăn nhất định về các yếu tố bên ngoài tác động có thể dẫn tới hỏng cả một mẻ gốm nung. Tựu chung lại, những "khó khăn" trong quá trình làm việc của 5 họa sĩ trẻ là vấn đề vẫn luôn xuất hiện trong cả quá trình lao động sáng tác của họ. Và họ cũng tập quen dần với điều đó.
Nhiều người yêu thích hội họa đã đến thưởng ngoạn.
Chia sẻ tại buổi triển làm, các họa sĩ trẻ đều chung quan điểm. Có lẽ, vì 5 anh em hoạ sĩ đều sinh ra từ "Làng". Lớn lên ở làng nên sự đồng điệu là rất lớn. "Thật may mắn khi cả 5 người chúng tôi đều tìm được những tiếng nói chung, những cung bậc cảm xúc có thể dung hoà được 5 cá tính riêng biệt này. Chúng tôi đều có những nỗi niềm chất chứa về những hoài niệm và kí ức xa xôi về làng quê, về những thiếu thốn, cả những vui buồn, và cả kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Những thứ mà có lẽ với thế hệ trẻ bây giờ chắc không thể có được hay tìm lại được như chúng tôi." Trần Công Nguyên và các đồng nghiệp muốn cho người xem thấy được những kí ức đẹp của chính họ, của người xem, hiện lên trong những tác phẩm hội hoạ.
Sau triển lãm "Chạm vào kí ức" nhóm hoạ sĩ trẻ sẽ bắt tay vào viết tiếp những kí ức còn dở dang chưa thực hiện được vào một cuộc triển lãm trong thời gian tới. "Mong rằng triển lãm tới của anh em hoạ sĩ chúng tôi sẽ đón nhận được sự quan tâm của những người yêu mến nghệ thuật. Cảm ơn mọi người đã luôn quan tâm và theo dõi quá trình lao động của nhóm anh em hoạ sĩ chúng tôi" – Họa sĩ Trần Công Nguyên tâm sự.
Một số tác phẩm của Trần Công Nguyên và đồng nghiệp:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!