Nhức nhối nạn san lấp ao hồ bằng phế thải xây dựng

Anh Tuấn, Chu Thanh-Thứ bảy, ngày 09/09/2023 11:37 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày vừa qua, nhóm phóng viên Chuyển động 24h ghi được nhiều hình ảnh cho thấy tình trạng lấp ao lấp hồ vẫn tiếp diễn.

Câu chuyện san lấp ao hồ bằng phế thải xây dựng đã từng được Chuyển động 24h phản ánh cách đây khoảng 5 tháng trước. Dù câu chuyện này không mới nhưng hậu quả để lại thì chưa bao giờ là cũ, vì hành vi đổ phế thải trái phép không chỉ vi phạm về quản lý đất đai mà còn để lại nhiều hệ lụy cho môi trường.

Ao hồ khi bị bị lấp đi thì gần như không thể khôi phục nguyên trạng ban đầu. Trong những ngày vừa qua, nhóm phóng viên Chuyển động 24h ghi được nhiều hình ảnh cho thấy tình trạng lấp ao lấp hồ vẫn đang tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi và với một quy mô lớn.

Tiếp diễn nạn san lấp ao hồ bằng phế thải xây dựng

Có một khu đất vốn dĩ là phần ao hồ nằm trong diện đất nông nghiệp thuộc địa bàn phường Viêt Hưng, Quận Long Biên. Nhưng hiện tại đã gần như bị san phẳng bởi đủ loại phế thải, trạc thải xây dựng.

Phế thải đổ đến đâu, phần diện tích ao bị thu hẹp đến đó. Hoạt động san lấp khu ao diễn ra ngay tại khu đất nằm giữa trung tâm quận khiến khu ao này đứng trước nguy cơ xóa sổ. Để che giấu hành vi hủy hoại đất bên ngoài khu đất đều được quây tôn kín mít. Khi nhóm phóng viên tiếp cận ghi hình lập tức có một người đến cản trở và dọa đập máy quay.

Tình trạng lấp ao, lấp hồ bằng phế thải xây dựng còn diễn ra rầm rộ tại địa bàn 2 xã Ngọc Hồi và Liên Ninh, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ở một số vị trí điểm nóng về hiện tượng đổ trạc thải trái phép, UBND xã Ngọc Hồi đã đặt các tấm biển cấm nhưng có vẻ như không mang lại nhiều tác dụng. Vì ở phía bên trong, nhiều khu ao với diện tích lên đến cả chục nghìn m2- nhưng giờ cũng chỉ còn lại thành cái vũng, sau cuộc xâm lấn của phế thải.

Để xác định vị trí mốc giới chính xác, nhóm phóng viên đã mời lãnh đạo UBND xã Ngọc Hồi trực tiếp có mặt tại khu vực ao đã bị san lấp thì được thông tin: Vị trí này nằm trong quy hoạch dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi đã được huyện Thanh Trì hoàn tất thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cách đây hơn 5 năm trước. Lý do vì sao khu đất dự án đang được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì quản lý vẫn xảy ra hiện tượng lấp ao thì câu trả lời chỉ là "đổ trộm".

Đủ loại rác bẩn lẫn gạch đá sau khi đổ trái phép để lấp ao sẽ được san phẳng rồi dầm chặt. Với thủ đoạn như vậy, nếu không bị ngăn chặn, phát hiện thì chẳng bao lâu nữa từng bước phần ao còn sót lại này có lẽ sẽ chung số phận.

Nạn san lấp ao hồ: Địa phương "than" khó khôi phục hiện trạng

Theo quy định hiện nay, khi bị phát hiện hoặc bắt quả tang ngoài việc phải nộp phạt vi phạm hành chính- thì các cá nhân có hành vi đổ phế thải trái phép phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm. Đây là biện pháp bắt buộc khắc phục hậu quả kèm theo.

Vậy nhưng, khi nhóm phóng viên trao đổi về vấn đề khắc phục hậu quả với đại diện UBND các phường, xã, nơi xảy ra hiện tượng đổ phế thải san lấp ao hồ trái phép thì đều có chung một câu trả lời đó là liên tục than "khó" khôi phục nguyên trạng đất đai ban đầu trước khi vi phạm.

Thời điểm nhóm phóng viên ghi hình hiện trạng việc san lấp khu ao thuộc đất nông nghiệp ở phường Việt Hưng, quận Long Biên thì đây không phải là lần đầu tiên hành vi hủy hoại đất tại vị trí này bị phát hiện. Vì trước đó, vào ngày 15/3, ông Sơn - chủ thửa đất đã bị phía UBND phường Việt Hưng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính vì đổ phế thải xây dựng ở đây.

Đổ trạc thải thì dễ nhưng khắc phục hậu quả thì than khó. Vì thế mà hầu hết các vụ việc vi phạm được phát hiện, đưa lên sóng truyền hình cũng chỉ dừng ở việc giữ nguyên trạng. Cũng phải chia sẻ với những khó khăn mà các địa bàn đang phải hứng chịu vì hiện cả TP Hà Nội chưa có đơn vị nào chính thức được cấp phép có chức năng xử lý phế thải xây dựng. Hiện mới chỉ có 2 đơn vị được triển khai thí điểm xử lý tái chế phế thải xây dựng từ năm 2018, nhưng đến nay dù được đánh giá hoạt động hiệu quả nhưng vẫn chưa được cho phép nhân rộng.

Trong khi ước tính, hiện mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội phát sinh khoảng 5.000 tấn chất thải rắn xây dựng từ các khu dân cư và công trình xây dựng. Để ngăn chặn vấn nạn san lấp ao hồ cũng như kiểm soát đầu ra của phế thải xây dựng tại Hà Nội, hầu như tất cả đại diện các phường, xã đều mong muốn, thành phố sớm quy hoạch địa điểm thu gom tập kết tại mỗi địa bàn các quận để việc thu gom xử lý được quản lý chặt chẽ.

Câu chuyện này được giải quyết đến đâu còn phải chờ trong thời gian tới. Nhưng trước mắt, việc của các địa phương bây giờ là bảo vệ diện tích ao hồ đất đai còn lại trước nạn san lấp bằng phế thải xây dựng vì nếu bị san lấp rất khó khôi phục nguyên trạng ban đầu được nữa.

Lấp ao hồ để phân lô bán nền

Nhìn từ trên cao khu vực hồ Bà Đồ không còn nguyên vẹn, vì theo người dân địa phương, vào thời điểm cách đây hơn một tháng nhiều phương tiện ngang nhiên chở phế thải xây dựng đổ xuống vị trí này. Phế thải đổ đến đâu máy xúc san ủi đến đó. Sự việc chỉ dừng lại khi có người dân phát hiện.

Dù người dân khẳng định là hồ tự nhiên có sẵn, nhưng theo UBND quận Long Biên, từ năm 2014 khu vực hồ nước này đã được đưa vào quy hoạch đất ở. Dự kiến sau khi san lấp sẽ được phân lô bán nền, đấu giá quyền sử dụng đất.

Vì những lẽ đó nên phía quận Long Biên khẳng định chủ trương san lấp hồ thực hiện dự án là phù hợp quy định. Vậy là, khoảng hồ nước với diện tích lên đến 3.000m2 còn sót lại như thế này- đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Ở một vị trí hồ khác, tại địa bàn phường Bồ Đề dù không có dự án lấp hồ nhưng hoạt động cải tạo thành hồ sinh thái đã dần thu hẹp một diện tích mặt nước đáng kể. Khi thời gian qua- đơn vị thuê đất đã đổ phế thải lấn hồ để làm đường xung quanh cũng như tạo mặt bằng làm nơi vui chơi.

Thế nhưng lấy căn cứ nào để kiểm tra xác minh phần diện tích hồ bị thu hẹp khi trên biên bản cho thuê đất chỉ thể hiện mốc giới lô đất chứ không có bất cứ thông tin nào về diện tích mặt nước được giao. Với cách thức quản lý như vậy thì hồ còn hay đã bị thu hẹp rất khó có thể phát hiện được ra.

Tháo dỡ công trình vi phạm trên đất đổ thải ven sông Tháo dỡ công trình vi phạm trên đất đổ thải ven sông Triệu tập một số người liên quan đến vụ đổ thải đầu nguồn nước sông Đà Triệu tập một số người liên quan đến vụ đổ thải đầu nguồn nước sông Đà Bắt quả tang 7 xe tải đổ thải trộm ra môi trường tại Đồng Nai Bắt quả tang 7 xe tải đổ thải trộm ra môi trường tại Đồng Nai

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước