Nhức nhối tình trạng khai thác vàng trái phép, đồng bào dân tộc bị lợi dụng

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 03/04/2024 12:52 GMT+7

VTV.vn - Dù địa phương quyết liệt chỉ đạo, xử lý nhưng những địa danh ở Sơn La luôn có sức hấp dẫn với các đối tượng vàng tặc từ suốt hàng chục năm nay.

Tình trạng đào múc, khai thác vàng trái phép tại các xã Chiềng Lương, Chiềng Ve thuộc huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La vốn đã xuất hiện từ hàng chục năm trước. Sau vài năm im ắng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động vàng tặc này đã quay trở lại... Sau khi kiểm tra, lập biên bản, vận động nhưng các đối tượng này vẫn ngoan cố, chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Bị chính quyền nhiều lần xử lý vẫn lén lút khai thác vàng trái phép

Nằm ở cuối xã Chiềng Ve, huyện Mai Sơn, Sơn La, đồi trồng cà phê nhiều ngày nay vang động tiếng máy nổ. Bên trong tấm vải bạt này là 2 hố sâu hàng chục mét, được khoét thẳng xuống lòng đồi. Từ dưới hầm sâu, những xô đất chứa quặng vàng được máy tời kéo lên, chuyển sang máy nghiền để sàng tuyển, tách vàng sa khoáng.

Nhức nhối tình trạng khai thác vàng trái phép, đồng bào dân tộc bị lợi dụng - Ảnh 1.

Khu vực các đối tượng đang khai thác vàng trái phép.

Tiếp cận khu vực các đối tượng đang khai thác vàng trái phép, không khó để phát hiện ra hàng chục rãnh nứt sâu hun hút với chiều rộng từ 15 đến 20cm, hình thành do hiện tượng sạt lở của các hầm lò trong lòng đất. Từ một miệng hầm có độ sâu khoảng 7m, phóng viên đã tiếp cận vào sâu bên trong.

Dù chính quyền xã Chiềng Ve đã 3 lần lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động. Thế nhưng các đối tượng vẫn lén lút đào bới trong lòng đất để khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên đến lần ra quân thứ 4, có sự phối hợp của lực lượng công an và cơ quan báo chí thì các đối tượng đã vội vã bỏ chạy, để lại toàn bộ dụng cụ, máy móc đang khai thác dở.

Gần 10 loại dụng cụ khác nhau như máy nghiền, máy phát điện, máy cưa xăng, máy tời quặng, máy sàng tuyển vàng… đều bị lực lượng chức năng thu giữ. Lều lán xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị phá dỡ, đốt bỏ.

Sau 1 ngày đêm kiểm tra kỹ và xác định chắc chắn không còn vàng tặc nào trong hầm, lực lượng chức năng đã tiến hành san lấp kín 3 cửa hầm dẫn vào các đường hầm khai thác khoáng sản trái phép, ngăn chặn tình trạng các đối tượng tiếp tục quay trở lại đào bới tại khu vực này.

Nhức nhối tình trạng khai thác vàng trái phép, đồng bào dân tộc bị lợi dụng - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng thu giữ, xử lý khu vực khai thác khoáng sản trái phép

Xã Chiềng Ve là một trong những xã nghèo của huyện Mai Sơn, hơn 600 hộ dân trong xã thì có tới 1/6 là hộ nghèo và cận nghèo. Địa hình núi đá với diện tích đất nông nghiệp rất nhỏ khiến cho không ít đồng bào dân tộc bị các đối tượng lợi dụng, thuê khai thác vàng trái phép với giá 300.000 đồng/ngày công. Hiện cơ quan chức năng đang làm việc với chủ mỏ để lập biên bản xử phạt theo quy định.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Mai Sơn đã lập đoàn kiểm tra tại 6 xã tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép. Xử lý 1 trường hợp vi phạm về đất đai, nghi có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép với số tiền 20 triệu đồng. Phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản với số tiền 355 triệu đồng. Kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể UBND xã Chiềng Chung và các cá nhân khác có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Dù quyết liệt trong công tác chỉ đạo, xử lý, nhưng những địa danh như bản Lù thuộc xã Chiềng Lương luôn có sức hấp dẫn với các đối tượng vàng tặc từ suốt hàng chục năm nay.

Khó khăn vận động người dân từ bỏ

Tại thung lũng nằm sâu dưới các dãy núi hiểm trở thuộc bản Lù, xã Chiềng Lương, dù lực lượng công an xã thường xuyên vào đây kiểm tra, giám sát, thế nhưng vẫn có không ít đồng bào dân tộc Thái vào đây đào đãi. Họ chỉ rời đi khi bị nhắc nhở.

Khu vực lều lán của gia đình ông Hồng dựng lên ở đây với mục đích thăm dò, khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên chưa kịp lắp đặt, triển khai máy móc thì đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Chính quyền địa phương đã vận động gia đình này tự giác di dời những khối máy móc nặng hàng chục kg, chủ động phá dỡ lều lán, trả lại nguyên trạng cho khu đất.

Không chỉ gia đình ông Hồng, một số hộ dân từ trên núi cao lén lút khai thác khoáng sản trái phép thấy bên dưới di dời cũng tự giác gồng gánh đồ đạc, máy móc khai thác vàng xuống dưới thung lũng, đi nhờ các chuyến xe tải vận chuyển về bản

Bản Lù có hơn 200 hộ, trên 1.200 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Dân số đông như vậy, song cả bản chỉ có gần 300 ha đất sản xuất, trong đó, lúa ruộng chỉ khoảng 30 ha. Đời sống khó khăn khiến cho không ít người dân đi đào vàng từ lúc còn rất nhỏ. Theo lãnh đạo xã, để ngăn chặn triệt để tình trạng này thì không chỉ có sự vận động, thuyết phục của chính quyền địa phương mà cần có giải pháp cụ thể từ các cơ quan cấp trên.

Ông Cầm Văn Thỏa - Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương - Mai Sơn - Sơn La cho biết: "Từ trước đến giờ thì dù đã cấm vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng người dân nghe thông tin là từ thời Pháp thuộc cho đến các thời kỳ sau thì người dân trên địa bàn vẫn lén lút tìm kiếm vận may. Rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật".

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn máy móc, dụng cụ, lều lán của người dân đã được di dời ra khỏi khu vực có dấu hiệu khai thác vàng trái phép. Theo UBND xã Chiềng Lương, chậm nhất đến cuối tuần này sẽ hoàn thành việc trả lại nguyên trạng tại địa điểm này. Nếu hộ dân nào không tự giác chấp hành sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác trái phép

Vì sao vẫn chưa thể xử phạt bởi nếu chỉ dừng lại ở vận động người dân di dời thì sao dám chắc được họ có tái diễn tình trạng này nữa hay không? Theo tìm hiểu từ phóng viên thực hiện tiêu điểm này nó nằm ở thẩm quyền của chính quyền cấp xã trong việc thu giữ và xử phạt, chính quyền chỉ có thể tịch thu phương tiện khai thác máy móc dưới 5 triệu đồng trong khi máy móc mà những người dân mang tới đây để khai thác lên tới cả chục, thậm chí là cả trăm triệu.

Chưa kể địa hình vào khu vực này rất hiểm trở, lực lượng nhân lực cần phải rất đông nếu như muốn cưỡng chế và thu giữ nên phương án tốt nhất chỉ có thể là vận động người dân di dời. Vậy nên không có gì là dám chắc được việc người dân có tái diễn tình trạng này nữa hay không, nhưng có điều dám chắc và nó ảnh hưởng ngay đến cuộc sống đó là những hệ lụy từ khai thác vàng trái phép. Đó là những hệ lụy về môi trường như hủy hoại tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó với đồng bào các dân tộc vùng cao, nước sạch không hề có sẵn như ở các vùng nông thôn hay thành thị.

Nhức nhối tình trạng khai thác vàng trái phép, đồng bào dân tộc bị lợi dụng - Ảnh 3.

Nước trong hố lúc nào cũng đục ngầu và bốc mùi khó chịu

Hố nước là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho rất nhiều hộ dân tại bản Thẳm, xã Chiềng Ve. Chỉ cách địa điểm khai thác vàng trái phép một quãng ngắn, thế nên nước trong hố lúc nào cũng đục ngầu và bốc mùi khó chịu.

Biết là độc hại nên những đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực này không bao giờ sử dụng nguồn nước tự nhiên để sinh hoạt, mà sử dụng 100% nước đóng bình. Thế nhưng những người dân nghèo ở bản Thẳm thì không có đủ tiền mua nước mà vẫn phải sử dụng nguồn nước lẫn với nước thải từ mỏ vàng.

Hoạt động khai thác vàng, đặc biệt là vàng sa khoáng, không thể thiếu một số loại hóa chất dùng để tách quặng vàng ra khỏi đất.

Nước thải lẫn với hóa chất sau khi nghiền được xả thẳng ra môi trường, gây ra nguy cơ ô nhiễm cho các khu vực dân cư phía dưới. Dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên theo các cơ quan chức năng ở huyện Mai Sơn thì cũng chỉ xử lý được ở hành vi hủy hoại tài nguyên đất với mức xử phạt thấp.

Chế tài xử phạt chưa có tính răn đe cùng với địa hình hiểm trở khó tiếp cận, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, khiến cho việc khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Mai Sơn vẫn là vấn đề nhức nhối suốt hàng chục năm nay mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước