Với người dân ở trong lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, việc sống nhờ vào sản vật của rừng là thói quen lâu nay.
Anh Nguyễn Văn Toan (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay: "Mình thường đi rừng họ thuê gùi gỗ trắc, gỗ mun. Mình làm khoảng 10 năm, bị kiểm lâm bắt nhiều rồi chứ, khoảng 6 - 7 lần".
Kể từ khi khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha được thành lập, tiếp đó Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên vào năm 2003, công tác bảo vệ rừng được siết chặt hơn. Những người như ông Hoàn không còn vi phạm nữa, thậm chí còn là những người giữ rừng.
"Họ bảo anh có thể đem đoàn đi khảo sát tuần 10 ngày được không? Rừng thì đường nào tôi cũng biết muốn đi chỗ nào tôi đưa đi. Có chuyến đi bò sát phát hiện ra 14 loài mới, trong đó ông Hoàn cũng phát hiện ra được 7 loài, mình cảm thấy hạnh phúc" - ông Nguyễn Văn Hoàn (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình) nói.
Những giá trị thiên nhiên độc đáo mới được khám phá đã giúp du lịch ở đây phát triển. Chỉ tính riêng Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) có khoảng 300 sơn tràng đã trở thành những người bảo vệ rừng. Họ làm các công việc như người vận chuyển, đầu bếp, trợ lý hướng dẫn viên du lịch…
Đã gần chục năm nay, ông Hoàn tham gia tổ bảo vệ rừng thôn, bản của xã Sơn Trạch. Mỗi tháng vài ba lần, ông cùng các cán bộ kiểm lâm thực hiện các chuyến tuần tra rừng.
"Thực tình vào rừng mới biết là rừng đẹp như thế nào. Trong dân mình thì có thôn bản thị trấn thành phố thị xã nhưng ở rừng thì những cây cổ thụ cao này, các loài bò sát chẳng hạn, nó cũng có thành phố của nó. Nếu con người không tác động đến thì rõ ràng nó vẫn còn nguyên sinh. Con người sống phải có thiên nhiên" - ông Hoàn nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!