Tình trạng phá rừng đã diễn ra trong thời gian dài khiến hàng trăm cây rừng tại xã Đại Lịch, Văn Chấn, Yên Bái bị đốn hạ.
Những khúc gỗ tròn bắt ở bìa rừng Khe Giáo đã được Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn tịch thu mang về trạm. Tang vật rõ ràng và mặc dù lâm tặc đều là người sống trong cùng xã Đại Lịch, nhưng lại lực lượng chức năng không dễ xử lý.
UBND xã Đại Lịch đã từng chỉ mặt điểm tên 7 đối tượng trong xã, trong đó có ông Vũ Văn Nhâm từng có những hành vi vào rừng đốn cây. Tuy nhiên, các biện pháp răn đe đều không mang lại hiệu quả.
Trong năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cũng chỉ xử phạt vỏn vẹn 2 vụ, trong đó có một vụ tịch thu tang vật mà không bắt được đối tượng nào.
Nể tình làng nghĩa xóm, nên nhiều lần chính quyền xã Đại Lịch đã bỏ qua cho những đối tượng chặt phá cây rừng. Câu chuyện con trâu - khúc gỗ và ai là lâm tặc tiếp tục được bàn luận không hồi kết.
Những sự việc như trên kéo dài, khiến cả cánh rừng già Khe Giáo giờ chỉ còn tre nứa. Cũng vì thế, đồng ruộng thiếu nước do mất rừng. Các cánh đồng Ông Chấu, 13, Cổ Rồng hay Bến Xá đều không thể cày cấy như trước đây.
Do mất rừng là mất nước, nên gần 70 hộ dân thôn Bằng Là 1 quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ cánh rừng già Khe Giáo. Tuy nhiên quyết tâm của một bộ phận người dân là chưa đủ.
Trong khi gần đó, hàng chục khúc gỗ đã được tập kết về một cơ sở chế biến gỗ nằm ngay cạnh con đường vào trung tâm xã Đại Lịch. Điểm chung của những lóng gỗ này đều nằm ở chỗ đầy bùn và những móc kéo, dấu hiệu nhận biết gỗ được kéo như thế nào ra khỏi rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!