Những người thầy vượt khó gieo chữ trong năm học đặc biệt 2020

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 20/11/2020 12:40 GMT+7

VTV.vn - Giữa chồng chất khó khăn do mưa bão và đại dịch, những người thầy vẫn miệt mài “chèo đò”, trở thành nguồn cảm hứng của học sinh.

Năm 2020 là năm học đặc biệt với cả học sinh và giáo viên khi vừa chống dịch COVID-19 vừa vượt mưa bão đến trường. Những lớp học trống vắng không có học sinh, chỉ có người thầy miệt mài giảng dạy với những thiết bị kết nối Internet có lẽ là điều đặc biệt đầu tiên mà chẳng người thầy nào có thể quên trong sự nghiệp trồng người của mình. Không chỉ có vậy, cách đây ít tuần, những lớp học bị ngập sâu trong nước, bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của bão lũ cũng là những điều khiến chúng ta không khỏi xót xa.

Học tập mùa dịch COVID-19: Thay đổi để thích ứng

Đã trở thành thói quen sau mùa dịch, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) vẫn tiếp tục những lớp học online dù thời điểm này học sinh đã quay trở lại trường. Bổ sung thêm những trang thiết bị hiện đại hơn, những buổi học trực tuyến giờ trở thành trợ thủ đắc lực cho những tiết học trên lớp.

"Đó là kết quả nỗ lực của cả thầy và trò sau những tháng ngày căng mình với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh" - thầy Mạnh cho biết.

Tháng 2 khi tất cả các trường học đóng cửa là khi những cô cậu học trò đi 7km đường rừng lên đỉnh núi để bắt sóng 4G học online. Còn các thầy cô ngày đêm chuẩn bị giáo án trên Internet và sẵn sàng cho những lớp học trực tuyến. Là những ngày bận rộn sáng nấu ăn phục vụ khu cách ly, tối lại say sưa giảng bài trước màn hình máy tính.

Những người thầy vượt khó gieo chữ trong năm học đặc biệt 2020 - Ảnh 1.

Còn ở những nơi điện thoại thông minh hay sóng 4G còn là điều xa xỉ thì những ống tre, ống nhựa lại là phương thức hữu hiệu nhất để mang bài tập đến cho học trò vùng cao. Đôi chân của các thầy cô giáo ở xã Hùng Ca, tỉnh Yên Bái lại băng rừng, vượt suối đến tận nhà đem con chữ cho trò nhỏ.

Với những nỗ lực của mình, 22 triệu học sinh tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học, biến những khó khăn trở thành cơ hội để thử nghiệm phương pháp mới và hơn hết là để giờ đây lại được nghe tiếng trẻ ê a học chữ khi cuộc sống bình thường trở lại.

Khi niềm vui quay trở lại trường học chưa được bao lâu thì mới đây nhất, những đợt bão lũ đã diễn ra nghiêm trọng tại khúc ruột miền Trung của đất nước. Các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng. Những ngôi trường bị chìm trong biển nước, bị chia cắt, cô lập hay thậm trí đã có ngôi trường do sạt lở mà bị xóa sổ. Không cam lòng ngồi yên trước sự giận dữ của thiên nhiên, có những người thầy đã vượt khó, tìm cách tiếp tế cho học sinh.

Những người thầy vượt lũ

Trong tháng 10 vừa qua, mưa lũ lịch sử khiến Tân Trạch, Thượng Trạch - hai xã biên giới của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, điều lo lắng nhất của các thầy cô trường PTDT nội trú Bố Trạch là sự an toàn của hơn 280 học sinh nội trú.

Các thầy giáo kết bè chuối bơi vượt lũ đoạn qua hang Tám Cô để ra bên ngoài, vận chuyển lương thực vào tiếp tế cho học sinh và thầy cô. Mặc nguy hiểm, các thầy vẫn thường trực trên môi nụ cười với quyết tâm bơi ra được bên ngoài làm nhiệm vụ của tiếp tế.

Những người thầy vượt khó gieo chữ trong năm học đặc biệt 2020 - Ảnh 2.

Thầy giáo kết bè chuối bơi vượt lũ tiếp tế lương thực cho học sinh.

Chịu thiệt hại nặng nề bởi lũ và sạt lở đất, nhiều trường ở các huyện vùng núi Đắk Rông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị cũng bị cô lập hoàn toàn. Đường đi học của các em nhỏ còn lắm gian nan.

Những cơn bão càn quét qua, những con lũ ập tới chỉ còn lại đống đổ nát, điêu tàn. Thế nhưng không dừng lại ở đó, các thầy cô giáo cùng các lực lượng chức năng quay trở về trường để làm nhiệm vụ của mình là khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Mong sớm được trở lại cuộc sống bình thường, các trò sớm được quay trở lại lớp học, các thầy cô giáo miền Trung đang phải nỗ lực thêm rất nhiều với tình cảm thiêng liêng cao quý "tất cả vì học sinh thân yêu".

Thật khó để có một đáp án trả lời cho tất thảy sự hy sinh của các thầy cô giáo bởi dường như để trở thành một giáo viên, bên cạnh năng lực về sư phạm thì mỗi người thầy đều chất chứa trong tâm hồn mình những sự phi thường. Trong bất kì hoàn cảnh nào, những người thầy vẫn không quên vai trò của mình, họ là người lái đò, người dẫn đường, người truyền cảm hứng cho những học trò của mình để chạm tay vào những đỉnh cao của tri thức.

Những người thầy truyền cảm hứng

Được truyền cảm hứng từ thầy giáo Vũ Văn Hợp, nhiều cựu học sinh của mái trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) đã trở về trường, tiếp bước với nghề giáo. Đây chính là những nhân tố quan trọng, chung sức cùng thầy Hợp đào tạo, bồi dưỡng nên những nhân tài Hóa học tiếp theo cho đất nước

Thầy giáo Vũ Văn Hợp, Tổ trưởng Tổ Hóa học cho biết: "Hiện tại, có 6 thầy cô từng là học sinh giỏi Quốc gia đã trở về công tác tại mái trường, chiếm một nửa số giáo viên hiện tại công tác tại bộ môn Hóa".

"Với mình, học sinh chính là người truyền cảm hứng cho mình và nhìn sự cố gắng cũng như kết quả của học sinh cũng chính là cảm hứng để mình tiếp tục cố gắng hơn nữa trong giảng dạy" - thầy Hợp chia sẻ.

Những người thầy vượt khó gieo chữ trong năm học đặc biệt 2020 - Ảnh 3.

Còn tại Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ, nơi có 85% học sinh là người dân tộc thiểu số nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô giáo 9X Hà Ánh Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.

Với thành tích top 10 giáo viên xuất sắc nhất Thế giới do tổ chức Varkey Foundation bình chọn, cô giáo Hà Ánh Phượng không chỉ trở thành nguồn cảm hứng cho học sinh mà còn cho rất nhiều thầy cô giáo vùng cao, những nơi còn khó khăn về tinh thần tìm tòi, hỏi hỏi, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.

Và trên khắp đất nước Việt Nam, còn rất nhiều những người thầy đã và đang là những niềm cảm hứng của học sinh. Những góc sân và khoảng trời, hàng lang lớp học hay bảng đen phấn trắng, nơi có những câu chuyện đẹp về người thầy. Đó chính là nguồn cảm hứng bất tận, đưa mỗi người bước tới tương lai.

Thiêng liêng tình nghĩa thầy trò qua nhiều thế hệ Thiêng liêng tình nghĩa thầy trò qua nhiều thế hệ

VTV.vn - Tình cảm của các thế hệ học trò dành cho thầy cô của mình ngay cả khi thầy cô đã không còn đứng trên bục giảng vẫn luôn là những món quà ý nghĩa nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước