Mỗi ngày đến trường, bao giờ thầy Nguyễn Công Cảnh (trường Mầm non Tuổi Ngọc, xã Ia Chim, TP. Kon Tum) cũng đến sớm hơn 30 phút để chuẩn bị phòng, đón nhận học sinh vào lớp. Sau đó, chải tóc, vệ sinh cho các cháu trước khi vào học.
Thầy Cảnh tâm sự, mỗi buổi sáng là một niềm vui khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên, ngây thơ của trẻ, đó cũng là một trong những động lực thôi thúc thầy hoàn thành công việc của một giáo viên mầm non.
Theo thầy Cảnh, cái khó nhất ban đầu của người thầy dạy mầm non đó là sự tự ti, mặc cảm với bạn bè, dư luận. Thế nhưng, thầy đã vượt qua tất cả để trở thành thầy giáo dạy con trẻ đồng bào dân tộc thiểu số trên dải Trường Sơn hùng vĩ.
"Ở Việt Nam, hầu hết quan niệm giáo viên mầm non chỉ dành cho nữ giới nhưng bây giờ, tôi muốn chứng minh cho thấy, giáo viên mầm non không chỉ dành cho nữ giới mà nam giới cũng thực hiện rất tốt công việc của một giáo viên mầm non" - thầy Cảnh chia sẻ.
Công việc người giáo viên mầm non khá vất vả vì không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng mà phải làm đủ việc từ sắp xếp bữa ăn chính, ăn phụ, rửa mặt rồi dọn chỗ ngủ, đến việc đưa các cháu đi vệ sinh, dọn vệ sinh cũng đều đến tay người thầy.
Ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm tại trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, thầy Cảnh xin vào dạy tại trường Mầm non Tuổi Ngọc, xã Ia Chim đến nay đã được 4 năm, thầy đã và đang để lại nhiều tình cảm đối với giáo viên và phụ huynh.
"Từ bé lớn học rồi đến bé nhỏ học, thầy quan tâm đến bé nhiều. Chăm sóc cũng nhiệt tình, từ ăn uống đến giờ giấc ngủ, nói chung cũng an tâm " - bà Y Pyun, phụ huynh làng Sar, xã Ia Chim cho hay.
Đại diện lãnh đạo Ban giám hiệu nhà trường đánh giá rất cao năng lực chuyên môn của thầy Cảnh, không ngại khó, ngại khổ, rất yêu trẻ, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao; mỗi khi thầy tổ chức hoạt động đều gây được hứng thú, thu hút con trẻ tham gia sôi nổi.
Theo thầy Cảnh, để gắn bó với nghề dạy học con trẻ vùng cao điều quan trọng nhất là phải có tình yêu trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề. Tuy có nhọc nhằn một chút nhưng vui vì đã góp một phần nhỏ giúp các em biết viết, biết múa hát, góp phần làm thay đổi nhận thức người dân vùng cao không cõng con lên nương rẫy mà đưa con đến trường để học con chữ, được vui chơi, múa hát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!