Tết Nguyên đán đang đến gần đồng nghĩa với nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai những con người lao động nghèo khó. Liên tục gặp tình trạng cắt giảm việc làm, những ngày này, anh Quỳnh và nhiều công nhân tại xóm trọ luôn thường trực một nỗi lo, lo về một cái Tết không đủ đầy.
"Gần hết hợp đồng là người ta không ký cho nữa. Bây giờ mình làm thời vụ để tiêu Tết. Ra Tết mình phải tìm công việc khác, lại bắt đầu lại từ đầu", anh Nguyễn Mạnh Quỳnh chia sẻ.
"Trong năm, mình cũng không tích cóp được nhiều. Giờ về quê còn chi phí sinh hoạt quà cáp cho bên nội, bên ngoại, các cháu nhưng mình không có điều kiện", anh Phan Văn Bế, công nhân, cho biết.
Sợ Tết cũng là nỗi niềm chung của những bệnh nhân chạy thận. Mỗi tuần phải "chạy" đến 3 lần và phải duy trì thường xuyên mới mong kéo dài được sự sống. Gần 20 năm chạy thận cũng là chừng ấy thời gian ông Tắc (tỉnh Nam Định) đón Tết trong căn phòng trọ.
Với một số người, Tết là khoảng thời gian họ không muốn nhắc đến, thậm chí sợ Tết.
"Từ năm 2004, tôi bỏ nhà đến đây để chạy thận, vậy là cũng hơn chục cái Tết ở đây. Có những năm 60 - 70 người ở lại. Càng những người chạy lâu họ lại càng có kinh nghiệm, mỗi người như một bác sĩ tự điều trị cho mình vậy, tự mình điều trị mình", ông Trần Văn Tắc cho hay.
Những căn phòng không đồng hồ, không một cuốn lịch, bởi thời gian là thứ anh Phương (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) luôn muốn quên đi.
"Năm ngoái mùng 1 vẫn phải đi mà, coi như là hết Tết. Ở đây, chỉ vài người ở gần tiện xe họ mới về. Nếu năm nay mùng 1 rơi vào Chủ nhật, lọc xong thứ Sáu thì thứ Sáu hoặc sáng thứ Bảy về", anh Phạm Văn Phương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, chia sẻ.
Những ngày giáp Tết, những con người chỉ biết lặng nhìn nhau, họ ước muốn được sum vầy bên gia đình như bao người khác. Tuy nhiên vì bệnh tật, vì hoàn cảnh nên họ đành gác lại niềm vui và sống quay quắt trong xóm nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!