Hòn Trống Mái được chia thành 40 khối theo các hệ thống khe nứt có kích thước khác nhau, 11 khối ở hòn Trống và 29 khối ở hòn Mái. Qua nhiều năm chịu tác động của thiên nhiên, hệ thống khe nứt đang phát triển mở rộng. Phần chân hòn Trống Mái cũng đang dần bị ăn mòn.
Tháng 3/2022, tỉnh Quảng Ninh đầu tư gần 3,5 tỷ đồng mời Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản nghiên cứu đánh giá hiện trạng và đề ra giải pháp. Các chuyên gia đến từ Na Uy và Bỉ cũng đã được mời sang phối hợp thực hiện.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái như sử dụng công nghệ phun vẩy bê tông đặc biệt kết hợp cùng sợi Polymer để chống lại tốc độ ăn mòn, sử dụng neo gắn kết các khối đá lại với nhau, dùng các vật liệu phù hợp để bịt các khe nứt, xây các bệ chống cho hòn Trống Mái và khống chế các tàu, thuyền giữ khoảng cách tối thiểu 50m, tốc độ tàu dưới 10km/h trong bán kính 200m.
Việc khống chế các tàu, thuyền giữ khoảng cách và tốc độ với hòn Trống Mái đã được Ban quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện. Cuối tháng 8, các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái sẽ được nghiệm thu và chọn ra phương án hợp lý nhất để triển khai thực hiện. Tỉnh Quảng Ninh cam kết chuẩn bị đủ nguồn lực để bảo tồn biểu tượng du lịch theo đúng quy định của UNESCO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!