Ở xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, đã 2 tháng không mưa, nhiều khoảnh vườn đồi, cỏ không mọc nổi. Hộ khác thì bán vội bò vì khô hạn còn bố con ông Vi Văn Khăm vẫn bền bỉ với đàn trâu bò nhờ mấy vườn chuối làm thức ăn thay thế. Từ một con bò được Nhà nước hỗ trợ 12 năm trước, giờ gia đình ông Khăm đã có gần 30 con.
''Nhờ vốn chính sách Nhà nước hỗ trợ mới có ngày hôm nay, cả năm cũng được 50 triệu, trước chỉ được hơn 10 triệu'', ông Khăm nói.
Ở Kỳ Sơn, vùng đầu gió Lào, nhiều bản nghèo chỉ có đi bộ hoặc đi thuyền từng đoạn vào. Vợ chồng chị Vi Thị Khăm Lý từng thử nghiệm trồng hơn 1000 cây keo nhưng chỉ 3 cây sống. Nhờ được hỗ trợ vốn chính sách, vợ chồng chị cải tạo vườn rừng thành trang trại nuôi lợn bản địa, gà đen và thoát nghèo.
Để giảm nghèo hiệu quả, chính quyền huyện Kỳ Sơn không gây áp lực với các xã phải chạy theo tiêu chí nông thôn mới mà yêu cầu tập trung nâng cao thu nhập cho từng hộ theo hướng bền vững, hộ đã thoát nghèo thì không thế tái nghèo như trước. Hiện tỉnh Nghệ An đã huy động nhiều nguồn lực, bố trí đủ vốn hỗ trợ sinh kế cho người dân 4 huyện đặc biệt khó khăn phía Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!