Mồ Sì San là xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông với một vụ lúa và chăn nuôi, không có nghề phụ. Trước đây, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn nhưng đến nay, đời sống nhiều hộ dân trong xã đang khá lên nhờ có nguồn thu nhập từ người nhà đi lao động ở nước ngoài.
"Trước gia đình khó khăn lắm, sau chồng tôi đi xuất khẩu lao động thấy có tiền nên đi lại đi lần hai. Con trai và con rể cũng mới đi. Giờ tháng nào chồng con cũng gửi tiền về. Cuộc sống bớt khó khăn, mình cũng đang làm nhà để ở", bà Phùng Lở Mẩy, người dân xã Mồ Sì San cho biết.
Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh Lai Châu đã đưa được hơn 670 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng gần 50% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Để giúp người lao động ở các huyện nghèo của tỉnh Lai Châu có được những thông tin chính thống và đáng tin cậy về cơ hội việc làm ở nước ngoài, lần đầu tiên, một phiên giao dịch việc làm phi lợi nhuận đã được tổ chức liên tục trong 4 ngày ở 4 huyện.
Tìm đến những phiên giao dịch, không chỉ có những thanh niên đang trong độ tuổi lao động mà địa phương còn huy động cả học sinh lớp 12 - nhóm thanh niên sắp gia nhập thị trường lao động.
Với các đơn vị tổ chức phiên giao dịch việc làm và các công ty tuyển dụng lao động thì việc gặp gỡ trực tiếp người dân để tư vấn là cách thức chắc chắn nhất để tìm được khách hàng. Nhưng đến nay, việc tuyển lao động là thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài vẫn được coi là nhọc nhằn mặc dù nhu cầu của thị trường là rất lớn và bà con được hỗ trợ phần lớn các thủ tục.
Việc đi lao động ở nước ngoài không chỉ giúp ích cho bản thân người lao động mà còn đưa về nguồn ngoại tệ đáng kể và kinh nghiệm sản xuất cho địa phương. Vì vậy, tỉnh Lai Châu phấn đấu, riêng trong năm nay, mỗi xã tuyên truyền, thuyết phục từ 5-10 người đi làm việc ở các nước, đồng thời cũng sẽ cố gắng tìm thêm thị trường lao động.
Đưa người đi làm việc ở nước ngoài cũng đang được các địa phương của tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng. 3 tháng qua, tỉnh đã có 50 người ở các xã nghèo đi làm việc ở các nước. Lào Cai coi đây là một trong những biện pháp giải quyết việc làm hữu hiệu, giúp các hộ gia đình tích lũy được nguồn vốn, cũng như những kiến thức, kỹ năng sau quá trình lao động ở nước ngoài.
Tỉnh Lào Cai đã thành lập được Trung tâm Thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 61.000 lao động, trong đó có 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tăng cường hỗ trợ việc làm là một trong những hoạt động triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2022, gọi tắt là Quyết định số 90.
Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ:
- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Nội dung hỗ trợ:
- Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc
- Hỗ trợ giao dịch việc làm;
- Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động;
Chính sách pháp luật về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã khá đầy đủ nhưng việc triển khai ở các địa phương cần được chú trọng hơn nữa, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn để thu hút được người lao động ở các vùng cao, vùng khó khăn. Đây là khuyến cáo của các chuyên gia lao động sau khi đi khảo sát ở các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!