Những vũ khí thô sơ được giao bán tràn lan trên nhiều diễn đàn, nhiều trang mạng xã hội, thu hút hàng nghìn thành viên tham gia.
Dao, kiếm, mã tấu…không còn là những cụm từ quá xa lạ đối với nhiều thanh thiếu niên hiện nay. Đây là những sản phẩm góp phần làm tăng tỷ lệ tội phạm vị thành niên, tuy nhiên lại được "ngang nhiên" quảng cáo trên "chợ mạng".
Ngang nhiên rao bán
Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tội phạm thanh thiếu niên sử dụng dao, kiếm, mã tấu, phóng lợn,…gây "náo loạn" đường phố không còn là hình ảnh xa lạ với nhiều người. Những sản phẩm kể trên là những sản phẩm mang tính chất bạo lực, với sức sát thương cao. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại đang được nhiều người "vô tư" chào bán như nhiều sản phẩm thông thường khác.
Chỉ cần tìm kiếm những từ khóa đơn giản như "phóng lợn", "mã tấu"… trên Facebook, kết quả tìm kiếm lập tức trả về hàng trăm hội nhóm thu hút hàng trăm đến hàng nghìn thành viên tham gia. Không khó để có thể gia nhập những hội nhóm này, vì vậy có những hội nhóm thu hút được hơn 15.000 thành viên tham gia. Đáng lo ngại hơn, hầu hết những thành viên của nhóm thuộc độ tuổi thanh thiếu niên, thế hệ trẻ của đất nước.
Những nhóm này thường là những nhóm kín, bài đăng sẽ được cập nhật liên tục để "những chú báo con" có thể xem và mua sản phẩm ưng ý. Những bài viết được đăng tải chủ yếu là dạng bài viết quảng cáo, "chào hàng" hay thậm chí chỉ là khoe những chiếc phóng lợn, mã tấu với "giá tốt".
Nhiều chủ tài khoản sử dụng những tài khoản ảo để đăng tải các bài viết rao bán, quảng cáo sản phẩm. Để có thể liên hệ hay biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm cần qua một hoặc nhiều tài khoản Zalo được gắn trên các bài viết để đảm bảo tính báo mật cho những "giao dịch" kể trên.
Không quá khó để liên hệ với một số điện thoại được gắn trên bài viết quảng cáo phóng lợn, mã tấu. Chủ tài khoản này giao bán một "cây phóng" dài 1.5m với giá 400.000 đồng, một cặp mã tấu với giá lẻ là 220.000 đồng/cây và nếu mua cả cặp sẽ được hưởng "ưu đãi" chỉ còn 380.000 đồng/cặp… Hầu hết những sản phẩm này đều là những sản phẩm tự chế, có tính sát thương cao và mang tính chất kích động bạo lực.
Kèm theo những lời giới thiệu về sản phẩm, chủ tài khoản này còn cam kết: "400.000 đồng là anh chịu ship cho chú. Anh bọc cẩn thận, không sao đâu. Hàng này mình gửi ship lo gì em". Những lời khẳng định chắc nịch cho thấy sự "ngang nhiên" của những nhóm đối tượng kể trên khi quảng cáo, mua bán kiếm, mã tấu, phóng lợn…".
Là hành vi vi phạm pháp luật
Các sản phẩm như mã tấu, phóng lợn, dao, kiếm,... được xem là những vũ khí thô sơ được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017: "Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu".
Luật sư Dương Lê Ước An (Công ty luật hợp danh Đại An Phát) nhận định: "Việc đăng bài quảng cáo các sản phẩm như mã tấu, phóng lợn, dao, kiếm,... được liệt kê vào danh sách những sản phẩm, hàng hóa bị cấm quảng cáo, được ghi nhận tại khoản 7 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Luật quảng cáo 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).". Do đó, hành vi quảng cáo những sản phẩm có tính chất kích động bạo lực là vi phạm pháp luật.
Đối với những cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người tàng trữ những sản phẩm trên còn bị xử lý theo khoản 1 Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 108 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.
: Luật sư Dương Lê Ước An cho biết: “Việc dễ dàng mua bán vũ khí, hung khí nguy hiểm trên mạng xã hội đã làm gia tăng tình hình tội phạm với tính chất và mức độ nguy hiểm hơn”. (Ảnh: NVCC)
Theo điều 306, quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ: "Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm".
Hiện không có quy định xử phạt hành chính về hành vi mua bán vũ khí thô sơ, mà pháp luật quy định xử lý các hành vi liên quan như: trang bị, tàng trữ, vận chuyển, tặng cho, sửa chữa... Theo đó, hành vi tặng cho vũ khí thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng, hành vi vận chuyển vũ khí bị phạt 10-20 triệu đồng. Người mua cũng có thể bị phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu che giấu hoặc không tố giác hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển vũ khí của người bán.
Ngoài ra, theo luật sư Dương Lê Ước An: "Về mặt "lý thuyết", pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi hình thức mua bán, vận chuyển hay tàng trữ vũ khí, trong đó có vũ khí thô sơ trái phép. Ngoài lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ (được sử dụng trong từng tình huống cụ thể), các đơn vị, tổ chức muốn sử dụng "mặt hàng" đặc biệt này với mục đích chính đáng, được pháp luật cho phép với những quy định hết sức ngặt nghèo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không ít vũ khí thô sơ trôi nổi ngoài xã hội, thậm chí được lén lút mua bán trên "thị trường ngầm". Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ án đau lòng do bọn tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ làm công cụ gây án đã và đang trở thành vấn đề lo ngại cho toàn xã hội."
Việc dễ dàng mua bán vũ khí, hung khí nguy hiểm trên mạng xã hội đã làm gia tăng tình hình tội phạm với tính chất và mức độ nguy hiểm hơn. Trên thực tế, với việc mua các vũ khí thô sơ trên mạng xã hội một cách dễ dàng, nên đã xảy ra nhiều vụ dùng vũ khí thô sơ để "thanh toán" lẫn nhau giữa các nhóm thanh niên, mua vũ khí để trả thù cá nhân hoặc một số đối tượng dùng dao để đối phó với người thi hành công vụ. Những việc làm này đang trở thành tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân và trật tự xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!