Nỗi lo đuối nước khi vào Hè

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 16/06/2021 20:34 GMT+7

VTV.vn - Mỗi mùa Hè đến, đuối nước lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình.

Chỉ trong vài tháng đầu Hè năm nay, hàng chục vụ đuối nước đã xảy ra, có những vụ thương tâm đến mức cùng lúc có đến 3-4 trẻ thiệt mạng.

Ngày 24/3, một nhóm học sinh tại Hoằng Hải, Hoằng Hóa, Thanh Hóa rủ nhau đi tắm biển. Bốn em trong số đó bị nước cuốn trôi và tử vong. Phải 3 ngày sau, lực lượng chức năng mới tìm thấy hết thi thể của các em. Cả 4 em đang học lớp 6, lớp 7.

Cũng tại Thanh Hóa, chỉ cách đây 1 tuần, 3 em nhỏ đuối nước thương tâm tại vùng biển xã Quảng Nham, Quảng Xương. Trong số 3 nạn nhân, em nhỏ nhất mới 8 tuổi. Cả 3 nạn nhân đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có em sống cùng bà ngoại, bố mẹ đi làm xa.

Nỗi lo đuối nước khi vào Hè - Ảnh 1.

Hiện trường một vụ đuối nước. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ ở các địa phương vùng biển, nhiều tai nạn đuối nước nghiêm trọng cũng xảy ra tại các tỉnh miền núi. Tại Đắk Lắk, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm đã có 23 trẻ tử vong do đuối nước. Cuối tháng 5, hai em nhỏ là anh em ruột cùng tử vong sau khi bị đuối nước. Nơi xảy ra tai nạn là một ao nước nhỏ gần chòi canh rẫy của cha mẹ hai em.

Chỉ trước đó 1 tuần, cũng tại Đắk Lắk, hai nữ sinh lớp 7 tại huyện Lắk tử vong khi rủ nhau đi tắm sông Krong-no.

Mất đi những đứa con vì những tai nạn không đáng có như đuối nước là những nỗi đau không thể kể hết của nhiều gia đình, song những trường hợp vừa rồi mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ thực tế về tai nạn đuối nước nhiều năm qua.

Theo thống kê của Cục Trẻ em từ nhiều nguồn, năm 2015, cả nước có hơn 3.000 thanh thiếu niên tử vong vì đuối nước.

Đến giai đoạn 2018, 2019, con số này này giảm xuống gần 2.000 em/năm.

Đến năm 2020, số trẻ tử vong do đuối nước lại có dấu hiệu gia tăng với 2.085 em.

Nhằm giảm, tránh tai nạn đuối nước với trẻ em, một mục tiêu được nhiều địa phương đặt ra đó là phổ cập dạy bơi cho trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng để đạt được mục tiêu này là điều không dễ dàng.

Theo Vụ Thể dục - Thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 bể bơi, trong đó có chưa tới 1.800 bể bơi đạt chuẩn. Số còn lại là bể bơi, hồ bơi đơn giản được các địa phương cải tạo từ các điểm ao hồ, sông ngòi và lắp đặt mô hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em.

Chỉ riêng khó khăn về cơ sở vật chất đã khiến cho việc dạy bơi trong nhà trường không khả thi. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác.

Được học kỹ năng cứu hộ cứu nạn cho người đuối nước nhưng lại không có bể bơi để học bơi. Điều này có nghĩa, nếu không may xảy ra tai nạn, các em có thể giúp đỡ người khác nhưng lại không thể giúp đỡ chính mình.

Theo Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ trường học có bể bơi ở nước ta là rất thấp, dưới 0,05%. Trong đó tỷ lệ thấp nhất ở cấp trung học cơ sở, chỉ có 227 bể/10.000 trường, tương đương khoảng 0,02%.

Ngay cả việc triển khai dạy bơi ở những trường có bể bơi cũng là vấn đề khó khăn. Trung bình để bơi thành thục mất từ 7 - 10 giờ học bơi, với điều kiện 1 giáo viên kèm 1 học sinh. Với sỹ số lớp học từ 30 - 40 em, và 2 giờ thể dục mỗi tuần, các trường chỉ có thể dạy xong phần lý thuyết bởi ngoài bơi, còn rất nhiều nội dung thể chất khác các em cần hoàn thiện.

Để chia sẻ khó khăn với các nhà trường, nhiều địa phương đã tìm nguồn xã hội hóa, tìm nguồn tài trợ để xây dựng bể bơi và tổ chức các lớp học bơi miễn phí.

Theo các chuyên gia, việc dạy bơi cho trẻ là chưa đủ bởi giữa việc bơi thành thục trong bể, với bơi ngoài môi trường sông, hồ, biển là hoàn toàn khác nhau. Ngoài biết bơi, các em còn cần thành thục các kỹ năng đối phó với tai nạn đuối nước như gặp vùng nước xoáy, bị chuột rút.... Quan trọng nhất là giúp các em nhận thức được khu vực nguy hiểm. Thực tế có rất nhiều nạn nhân tử vong trong các vụ đuối nước biết bơi.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, không ít ý kiến cho rằng, những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ em ngày Hè là do bố mẹ các em thiếu sự quan tâm, không dành thời gian cho các em. Điều này không sai nhưng nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những vụ việc đã xảy ra. Đặc biệt ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, hoặc bố mẹ đi làm cả ngày, chỉ có anh chị em tự trông nhau ở nhà. Chính vì vậy, không chỉ riêng bơi lội, có rất nhiều kỹ năng các em cần được trang bị. Có thể chỉ đơn giản là tự nấu cơm, tự tắm gội cho mình.

Dưới nhiều mái nhà, mỗi phụ huynh đang mang đến cho con mình những trải nghiệm hè khác nhau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước