Nỗi lo sạt lở trong mùa mưa: Cần chiến lược lâu dài và sự đầu tư thích đáng

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 29/10/2022 12:48 GMT+7

VTV.vn - Sạt lở đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cuộc sống và cả tính mạng của người dân bị đe dọa. Nguyên nhân của thực trạng này là gì và đâu là giải pháp?

Mỗi khi mùa mưa đến, thì nỗi lo sạt lở lại thấp thỏm trong mỗi người dân sống trên địa bàn có nguy cơ cao. Đáng nói là hiện tượng sạt lở không chỉ diễn ra ở khu vực miền núi, mà ở cả những khu vực có bờ sông, bờ biển và ngày càng có những diễn biến bất thường và khốc liệt. Cuộc sống, thậm chí cả tính mạng của người dân trên địa bàn này luôn tiềm ẩn những bất an đe dọa.

Theo báo cáo mới đây của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có khoảng 63 vị trí sạt lở với tổng chiều dài hơn 97km. Trong đó, có 19 vị trí sạt lở nguy hiểm, và 33 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển và an toàn của các khu dân cư ven biển.

Sạt lở bờ biển nghiêm trọng ở miền Trung

Tỉnh Hà tĩnh hiện có 4 vị trí sạt lở, Quảng Bình là 5, Quảng Trị là 4. Thừa Thiên Huế có 7 vị trí. Quảng Nam có 3. Quảng Ngãi có 13 vị trí. Tình Bình Định có 8 điểm. Phú Yên là 12 vị trí. Khánh Hòa có 9. Ninh Thuận có 2 và Bình Thuận cũng có 2 vị trí xói lở.

Như vậy, theo thống kê, xét về phạm vi, diện xói lở rộng nhất là ở tỉnh Phú Yên với 12 vị trí có tổng chiều dài là hơn 33km. Tiếp đến là Quảng Ngãi với 13 điểm dài hơn 15km. Còn xét về mức độ sạt lở, thì Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa là những nơi có nhiều vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với 7 vị trí.

Nguy cơ sạt lở diện rộng ở miền núi Quảng Nam

Tại trung tâm của xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, mưa lớn, nước từ trên sườn núi chạy xuống, đường thành suối. Điều đáng lo ngại là toàn bộ dãy núi chạy dọc trung tâm xã liên tục sạt xuống khu dân cư. Tại một cây xăng, nước lũ và đất đá đã tràn xuống, người đi đường nơm nớp lo sợ. Một số ngôi nhà bên dưới cây xăng đã bị vùi lấp khiến nhiều người bất an.

Đồi cao, suối sâu, hầu hết các trụ sở làm việc đều nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở rất lớn. Ngay như công trình phòng tránh thiên tai cũng không còn là nơi an toàn. Tình trạng sạt tại các khu dân cư ở trung tâm huyện Nam Trà My tăng lên. Khu vực này có 300 hộ gia đình có nguy cơ mất nhà. 6000 người luôn trong tình trạng sơ tán khẩn cấp.

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những hiện tượng cực đoan của thời tiết và sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên trong những năm gần đây, không dừng lại ở nỗi lo ngại mà đang là nỗi lo sợ của nhiều người dân.

Ứng phó với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan là cả một chiến lược lâu dài đòi hỏi sự quan tâm cũng như sự đầu tư thích đáng. Nhìn lại những mất mát, tổn thất của những năm gần đây về tài sản và tính mạng của người dân, cho thấy, đã đến lúc phải hành động!

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước