Ứng phó ra sao với nguy cơ gia tăng sạt lở ven biển?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 29/10/2022 06:08 GMT+7

VTV.vn - Dự báo từ nay đến cuối năm, nhiều cơn bão và nhiều đợt triều cường lớn sẽ xuất hiện.

Nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ vừa trải qua đợt triều cường lịch sử. Các tỉnh Trung bộ cũng đối mặt với triều cường dâng cao, gây ra ít nhất hơn 60 điểm sạt lở, trong đó hàng chục điểm ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tình trạng sạt lở ven biển, nhất là vào mùa mưa bão không phải là vấn đề mới, nhưng đang đặt ra nhiều thách thức khi quy mô và cường độ ngày càng tăng, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đời sống, sinh hoạt người dân ven biển.

Ứng phó ra sao với nguy cơ gia tăng sạt lở ven biển? - Ảnh 1.

Tình trạng sạt lở ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Báo Cà Mau.

QUẢNG NGÃI: TRIỀU CƯỜNG XÂM THỰC GÂY SẠT LỞ BỜ BIỂN

Tình trạng xâm thực của triều cường trong những ngày vừa qua đã gây sạt lở đất tại tại thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Nhiều tuyến đường dân sinh đã bị sóng biển cuốn trôi và tiếp tục ăn sâu vào sát các công trình dân sinh. Đồng thời, nước biển dâng cao tiến sâu đất liền hơn 100m, đã cuốn trôi nhiều diện tích đất hoa màu của bà con nông dân.

Được biết, Tình trạng xâm thực đã diễn ra nhiều năm nay, và nặng nhất là đợt triều cường trong những ngày vừa qua, gây ra hiện tượng xói lở gần 2km bờ biển Châu Tân, có 4 tuyến đường dân sinh đã bị sóng đánh sập, nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng bị nước cuốn trôi. Điều này, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 120 hộ dân.

Bước vào mỗi mùa mưa bão, sóng biển, triều cường ngày càng xâm thực, lấn sâu vào đất liền gây sạt lở, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Việc đầu tư, xây dựng kiên cố hóa các tuyến kè ven biển là giải pháp cần thiết, cấp bách nhằm bảo đảm an toàn cho người dân ổn định đời sống, sản xuất.

Tình trạng xói lở do biển xâm thực khác nhau tùy theo địa hình của từng khu vực, và được ghi nhận ở hầu khắp 28 tỉnh ven biển. Ở một số địa phương, bờ biển đã lấn vào đất liền tới vài trăm mét, buộc hàng trăm hộ gia đình phải di dời và thay đổi sinh kế. Miền Trung là nơi nhạy cảm và thể hiện rõ ràng nhất về vấn đề biến đổi khí hậu.Cho đến thời điểm này, tại miền Trung tình hình các điểm sạt lở như sau:

SẠT LỞ VEN BIỂN NGHIÊM TRỌNG Ở MIỀN TRUNG

Theo báo cáo nhanh của văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có khoảng có khoảng 63 vị trí sạt lở với tổng chiều dài hơn 97km.

Trong đó, có 19 vị trí sạt lở nguy hiểm, và 33 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đê biển và an toàn của các khu dân cư ven biển.

Ứng phó ra sao với nguy cơ gia tăng sạt lở ven biển? - Ảnh 2.

Chính quyền địa phương cắm biển cấm người dân không đi lại trong khu vực nguy cơ sạt lở. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Cụ thể, tỉnh Hà tĩnh hiện có 4 vị trí sạt lở. Quảng Bình là 5 vị trí, Quảng Trị là 4 vị trí. Thừa Thiên Huế có 7 vị trí. Quảng Nam có 3. Quảng Ngãi có 13 vị trí. Tình Bình Định có 8 điểm. Phú Yên là 12 vị trí. Khánh Hòa có 9. Ninh Thuận có 2 và Bình Thuận cũng có 2 vị trí sói lở.

Như vậy, theo thống kê, xét về phạm vi, diện sói lở rộng nhất là ở tỉnh Phú Yên với 12 vị trí có tổng chiều dài là hơn 33km. Tiếp đến là Quảng Ngãi với 13 điểm dài hơn 15km. Còn xét về mức độ sạt lở, thìThừa Thiên Huế và Khánh Hòa là những nơi có nhiều vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với 7 vị trí.

Các chuyên gia nhận định, 2022 là năm triều cường rất cao tại Nam bộ, vì thế không loại trừ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dự báo từ nay đến cuối năm, Nam bộ còn 5 đợt triều cường. Trong đó, đáng chú ý nhất là 3 đợt vào cuối các tháng 10, 11 và 12. Còn tại miền Trung dự báo cũng có 5 đợt triều cường nữa.

TRIỀU CƯỜNG TIẾP DIỄN TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2022

Đợt triều cường thứ 1 dự báo xảy ra từ 28/10-1/11. Đợt 2 từ ngày 11-15/11. Đợt 3 từ ngày 25-30/11. Đợt 4 từ ngày 8 đến 13/12 .., và đợt 5 từ ngày 23-27/12… Trong đó đáng chú ý là 3 đợt cuối tháng 10, cuối tháng 11 và cuối tháng 12 sẽ có mức triều cao. Xâm thực và sạt lở bờ biển sẽ nghiêm trọng hơn tại những thời điểm có triều cường cao kết hợp với bão, áp thấp nhiệt đới... và không khí lạnh có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực Trung Bộ. Như trường hợp cuối tháng 9, bão số 4 ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung Bộ đã gây nước dâng.., kết hợp với triều cường làm mực nước khu vực ven biển từ Huế tới Quảng Nam dâng cao, gây ngập một số khu vực trũng, sạt lở nhiều đoạn bờ biển. Ngoài ra trong những ngày triều cường, mực nước biển dâng cao sẽ làm chậm quá trình thoát lũ trong đô thị.

Ứng phó ra sao với nguy cơ gia tăng sạt lở ven biển? - Ảnh 3.

Triều cường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Dự báo từ nay đến tháng 4/2023, trên khu vực Biển Đông sẽ còn khoảng từ 3 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2 hoặc 3 cơn tập trung chính ở các tỉnh Trung bộ và Nam bộ. Riêng trong tháng 11/2022, tổng lượng mưa ở nhiều khu vực cao hơn so với trung bình nhiều năm, có nơi lên đến trên 70%. Tình hình sạt lở sẽ còn những diễn biến phức tạp. Hơn nữa, theo các báo cáo gần đây cho thấy biến đổi khí hậu đã đang xảy ra và không thể đảo ngược. Và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cần các giải pháp tổng thể, bền vững, nhưng trong đó vấn đề nâng cao nhận thức của người dân địa phương được xem là một chiến lược bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước