Nuốt nghẹn: Dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm

P.V-Thứ bảy, ngày 12/11/2022 18:42 GMT+7

VTV.vn - Nuốt nghẹn không chỉ gây nhiều phiền toái cho người bệnh khi ăn uống, mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

Chương trình Tư vấn trực tuyến "Nuốt nghẹn - Nội soi tầm soát và điều trị các bệnh dạ dày thực quản" thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả.

Vào lúc 20h ngày 10/11/2022, chương trình tư vấn trực tuyến "Nuốt nghẹn - Nội soi tầm soát và điều trị các bệnh dạ dày thực quản" do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh tổ chức đã diễn ra. Chương trình thu hút nhiều sự quan tâm nhờ có sự tham gia của 4 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa: BS.CKII Nguyễn Quốc Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; ThS.BS.CKII Trần Hiếu Nhân và TS.BS Trần Thanh Bình - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; BS.CKI. Huỳnh Văn Trung - Khoa Nội tiêu hóa - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Nuốt nghẹn (khó nuốt) là tình trạng người bệnh mất nhiều thời gian, nỗ lực để đẩy thức ăn hoặc nước từ miệng xuống dạ dày. Đây cũng là biểu hiện thường gặp nên nhiều người chủ quan không đi thăm khám. Đến khi có các biểu hiện bệnh nặng mới khám thì bệnh đã diễn tiến và phát sinh các biến chứng nguy hiểm, thậm chí ung thư thực quản.

Theo đó, nuốt nghẹn được phân thành nuốt nghẹn thực quản và nuốt nghẹn vùng hầu họng. Đối với trường hợp nuốt nghẹn do rối loạn chức năng hoặc do co thắt, người bệnh có thể bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.

Nội soi thực quản là phương pháp chẩn đoán, tầm soát phát hiện các biểu hiện bất thường ở thực quản. Thông qua phương pháp này bác sĩ có thể quan sát trực tiếp dạ dày, lớp lót của thực quản, qua đó phát hiện được những tổn thương ở thực quản như viêm loét thực quản, chảy máu, polyp, khối u…

Bên cạnh đó, một số phương pháp chẩn đoán khác như chụp X-quang thực quản, chụp cắt lớp, siêu âm qua nội soi, đo áp lực thực quản… cũng được dùng trong chẩn đoán bệnh. Đặc biệt, phương pháp đo áp lực thực quản với độ phân giải cao giúp chẩn đoán các bệnh lý nuốt nghẹn do rối loạn vận động liên quan đến rối loạn thần kinh cơ ở thực quản như bệnh co thắt tâm vị, co thắt thực quản lan tỏa hay các bệnh lành giảm hay mất nhu động thực quản. Phương pháp này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ năng vốn phức tạp của thực quản.

Nuốt nghẹn: Dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 1.

BS.CKII Nguyễn Quốc Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh

Câu hỏi: "Người bệnh ung thư thực quản bị béo phì được khuyên giảm cân trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, cơn đau ngày càng đau dữ dội, mong muốn đặt stent để cải thiện tình trạng này". BS.CKII Nguyễn Quốc Thái cho hay, trường hợp mổ ung thư thực quản trên người bệnh béo phì, thời gian sống sau mổ của họ sẽ tốt hơn người có cân nặng vừa phải. Tuy nhiên, nguy cơ lành thương của người béo phì sẽ thấp hơn, đặc biệt là khi có kèm bệnh đái tháo đường. Về hiệu quả lâu dài và thời gian sống, phẫu thuật cắt thực quản cho người bệnh ung thư thực quản bị béo phì sẽ có tiên lượng tốt hơn.

Phẫu thuật cắt thực quản là phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh ung thư thực quản. Ngoài ra, còn có các phương pháp hỗ trợ khác như hóa xạ trị. Bác sĩ chỉ cân nhắc đặt stent thực quản khi người bệnh không còn khả năng thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Nuốt nghẹn: Dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 2.

TS.BS Trần Thanh Bình - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh

Cùng đồng tình với BS Nguyễn Quốc Thái, TS.BS Trần Thanh Bình chia sẻ thêm, béo phì là yếu tố nguy cơ cao khi phẫu thuật thực quản, đặc biệt là phẫu thuật các khu vực liên quan tới đường hô hấp.

Đặt stent thực quản sẽ giúp người bệnh duy trì việc ăn uống, được xem là phương pháp điều trị kéo dài sự sống. Trường hợp của người bệnh này, đặt stent thực quản là giải pháp phù hợp.

Nuốt nghẹn: Dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 3.

ThS.BS.CKII Trần Hiếu Nhân - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh

Thắc mắc của khán giả Khánh Tiên như sau: "Chồng tôi uống bia rượu rất nhiều, gần đây thường cảm thấy chán ăn, ăn không nổi, khó thở khi ăn xong, cảm giác thức ăn bị vướng gây tức ngực và cổ. Liệu chồng tôi có mắc phải bệnh nào đó liên quan đến các biểu hiện này?". ThS.BS.CKII Trần Hiếu Nhân cho biết, người trên 30 tuổi xuất hiện các triệu chứng này cần được xác định nguyên nhân càng sớm càng tốt. Vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư thực quản. Khi khám, bác sĩ sẽ ưu tiên tìm ra các tổn thương nguy hiểm nhất cho người bệnh. Sau khi loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm, bác sĩ mới tiến hành chẩn đoán và điều trị các nguyên nhân còn lại. Trường hợp nam giới sử dụng rượu bia nhiều và mắc các vấn đề ăn uống, nếu có kèm sụt cân nhiều, bác sĩ sẽ nghi ngờ các tổn thương ở thực quản hoặc vùng tâm vị dạ dày. Sau khi thực hiện nội soi, loại trừ các tổn thương ở các khu vực này, bác sĩ mới có thể tiến hành điều trị các bệnh lý nếu được phát hiện qua nội soi, chẳng hạn như bệnh viêm dạ dày. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở người sử dụng nhiều rượu bia.

Nuốt nghẹn: Dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 4.

BS.CKI. Huỳnh Văn Trung - Khoa Nội tiêu hóa - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh

Với câu hỏi "Tôi thấy xuất hiện cục cứng nổi ở cổ, cảm giác hơi vướng khi nuốt, thường xuyên bị mệt mỏi, giọng nói đôi khi khàn là do mắc bệnh lý gì?" đã được BS.CKI. Huỳnh Văn Trung tư vấn như sau: các triệu chứng như nuốt vướng, ăn uống ít hơn, có khối u ở cổ là các tổn thương có thể gặp nhiều ở những cơ quan vùng đầu mặt cổ, chẳng hạn như tổn thương ở tuyến giáp, bướu giáp, nang giáp. Khi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực đầu mặt cổ, sau đó chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như siêu âm tuyến giáp, siêu âm mạch máu ở khu vực đầu mặt cổ (xác định có phình mạch máu không). Ngoài ra, người bệnh có thể cần tiến hành nội soi hầu họng để kiểm tra các tổn thương ở vùng hầu họng như viêm nhiễm, u bướu… và nội soi thực quản dạ dày tá tràng để kiểm tra các bất thường. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa để được khám, chẩn đoán, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Dù nuốt nghẹn, vướng cổ được xem là biểu hiện của nhiều tình trạng bệnh lý từ nhẹ đến nặng nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể để phòng ngừa hiệu quả mà chỉ có thể giảm nguy cơ thông qua việc ăn chậm, nhai kỹ. Vì vậy, các bác sĩ đưa lời khuyên, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh liên quan đến dạ dày thực quản, hoặc tình trạng nuốt nghẹn ngày càng tăng mức độ, người bệnh nên nhanh chóng đi khám tại các cơ sở uy tín, chuyên khoa Tiêu hóa để được bác sĩ khám và đưa giải pháp phù hợp, ngăn ngừa biến chứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước