Nuốt nghẹn có thể là biểu hiện của bệnh lý nghiêm trọng, trong đó có ung thư thực quản.
Nuốt nghẹn hay khó nuốt là tình trạng mất nhiều thời gian và nỗ lực để đẩy thức ăn hoặc nước từ miệng xuống dạ dày. Nuốt nghẹn có thể gây đau đớn. Trong một số trường hợp, người bệnh không thể nuốt được. Tình trạng nuốt nghẹn, nhất là nuốt nghẹn dai dẳng, có thể là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và cần có kế hoạch điều trị.
Theo BSCKII. Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh), các dấu hiệu có liên quan đến chứng nuốt nghẹn có thể bao gồm đau khi nuốt, không thể nuốt được, cảm giác thức ăn bị kẹt lại ở cổ họng hay ngực, chảy nước dãi, khàn tiếng, nôn trớ, ợ chua, thức ăn hoặc axit dạ dày trào ngược vào thực quản, ho khan…
Giải thích về nguyên nhân nuốt nghẹn, bác sĩ Quốc Thái cho biết, nuốt là hành động rất phức tạp, liên quan đến nhiều cơ và dây thần kinh. Bất kỳ tình trạng nào làm suy yếu hoặc tổn thương các cơ và dây thần kinh được sử dụng để nuốt hoặc dẫn đến hẹp phần hầu họng, thực quản đều có thể gây ra chứng nuốt nghẹn. Nuốt nghẹn bao gồm nuốt nghẹn thực quản và nuốt nghẹn vùng hầu họng.
Nuốt nghẹn thực quản gây ra cảm giác thức ăn mắc kẹt ở cổ họng hoặc ngực sau khi nuốt. Nguyên nhân có thể là co thắt tâm vị (cơ vòng thực quản dưới không dãn ra khi nuốt), co thắt thực quản lan tỏa, thực quản bị chít hẹp do có khối u hoặc mô sẹo, dị vật như thức ăn hay răng giả, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, xơ cứng bì…
Chứng nuốt nghẹn do nguyên nhân hầu họng liên quan đến tai mũi họng, xảy ra khi có suy yếu cơ vùng họng, khiến thức ăn khó di chuyển từ miệng vào cổ họng và thực quản khi bắt đầu nuốt. Nguyên nhân thường do rối loạn thần kinh thực vật (bệnh đa xơ cứng, loạn dưỡng cơ, Parkinson), tổn thương thần kinh đột ngột như đột quỵ hoặc chấn thương não hay tủy sống, bệnh túi thừa Zenker. Một số bệnh ung thư và phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây khó nuốt.
Loại ung thư gây nuốt nghẹn thường gặp nhất là ung thư thực quản, căn bệnh phổ biến thứ 9 và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến thứ 6 trên toàn thế giới. Ung thư thực quản có tiên lượng nghèo nàn bậc nhất vì ở giai đoạn sớm không gây ra triệu chứng. Khi phát hiện được trên lâm sàng, u thường đã ở giai đoạn tiến triển. Người bệnh có biểu hiện nuốt nghẹn thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ung thư thực quản xảy ra khi các tế bào của lòng thực quản có sự biến đổi (đột biến) trong ADN của nó. Đột biến làm cho tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát. Các tế bào bất thường tích lũy thành một khối u ở thực quản, có thể phát triển để xâm nhập các cấu trúc lân cận và lan truyền đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư thực quản có 4 giai đoạn từ I - IV.
Một trong những yếu tố nguy cơ của chứng nuốt nghẹn là sự lão hóa. Quá trình lão hóa tự nhiên, sự hao mòn trên thực quản và một số bệnh nhất định khiến cho người lớn tuổi có nguy cơ bị nuốt nghẹn cao hơn. Tuy nhiên, nuốt nghẹn không phải là một dấu hiệu bình thường của quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, nuốt nghẹn còn liên quan đến một số tình trạng sức khỏe nhất định, cụ thể như rối loạn thần kinh. Nuốt nghẹn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và mất nước do không hấp thu đủ chất. Người hay nuốt nghẹn cũng dễ bị viêm phổi do thức ăn hoặc chất lỏng đi vào đường thở và mang theo cả vi khuẩn vào phổi. Đôi khi, thức ăn mắc kẹt lại có thể chặn đường thở và cần phải được cấp cứu để tránh nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Quốc Thái cho biết, không có biện pháp nào để ngăn chặn chứng nuốt nghẹn, nhưng có thể giảm rủi ro bằng cách ăn chậm và nhai kỹ. Nếu có bệnh, nên điều trị càng sớm càng tốt. Khi có các dấu hiệu nuốt nghẹn nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và cho lời khuyên cụ thể.
Hiện nay, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả liên quan đến chứng nuốt nghẹn, điển hình là co thắt tâm vị, trào ngược dạ dày thực quản, các khối u thực quản… bằng phương pháp nội khoa, can thiệp ít xâm lấn và can thiệp xâm lấn bao gồm: nong bằng bóng, phẫu thuật nội soi mở cơ thực quản, cắt u thực quản; phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản; các phương pháp làm giảm tắc nghẽn thực quản như: đặt stent xuyên bướu qua nội soi... Các tùy chọn khác bao gồm hóa trị, mở dạ dày hoặc ruột non ra da bằng ống để nuôi ăn.
Những thông tin cập nhật các phác đồ điều trị nuốt nghẹn bằng phương pháp kỹ thuật cao, ít xâm lấn sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Nuốt nghẹn - Nội soi tầm soát và điều trị các bệnh dạ dày thực quản", phát sóng trực tiếp vào lúc 20h ngày 10/11 trên website Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và fanpage VnExpress.
Chương trình có sự tham gia của 4 chuyên gia: BS.CKII Nguyễn Quốc Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; ThS.BSCKII Trần Hiếu Nhân, TS.BS Trần Thanh Bình - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh và BSCKI. Huỳnh Văn Trung - Khoa Nội tiêu hóa - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!