Ồ ạt khai thác đá ở Đà Nẵng

Đỗ Vinh (VTV8)-Thứ bảy, ngày 17/04/2021 20:27 GMT+7

VTV.vn - Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang có 7 mỏ đá quy mô lớn, hiện trạng khai thác vẫn ngổn ngang, còn những hệ lụy về môi trường, thì người dân vẫn đang ngày ngày phải hứng chịu.

Đà Nẵng từng có rất nhiều mỏ khai thác đá để phục vụ các công trình xây dựng. Nhiều mỏ đã hết hạn khai thác từ cuối năm 2020 nhưng thay vì tiến hành hoàn thổ, cải tạo môi trường theo quy định, các mỏ vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mỏ đá Chu Lai thuộc xã Hòa Nhơn là một trong 13 mỏ đá đã hết hạn giấy phép khai thác từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, tại công trường, hoạt động chế biến vẫn rất nhộn nhịp.

Ồ ạt khai thác đá ở Đà Nẵng - Ảnh 1.

Mỗi ngày có hàng chục xe ben vào đây mua đá thành phẩm xây dựng. Hoạt động sản xuất đá gây ô nhiễm trầm trọng môi trường xung quanh. Bên cạnh điểm nghiền đá, hàng ngày, những chiếc xe ben liên tục vận chuyển đá nguyên liệu từ mỏ về nhà máy chế biến.

Theo quy định, khi hết hạn giấy phép khai thác mỏ, doanh nghiệp phải báo cáo với Sở Tài nguyên - Môi trường khối lượng đá đã khai thác nhưng còn tồn lưu tại mỏ; kê khai số lượng sản xuất với cơ quan quản lý thuế để tính thuế tài nguyên và phí môi trường. Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Phương, giám đốc khai thác mỏ vẫn không biết chính xác còn bao nhiêu mét khối đá tại mỏ này?

Ồ ạt khai thác đá ở Đà Nẵng - Ảnh 2.

Quanh khu vực chưa đầy 500 ha của thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn thuộc huyện Hòa Vang có đến 7 mỏ đá. Trung bình mỗi mỏ có thể khai thác cả trăm ngàn mét khối trong một năm. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản ồ ạt theo kiểu mạnh ai nấy làm. Trong khi chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ quản lý trên giấy tờ.

Mỏ đá chỉ cách khu dân cư chừng vài trăm mét. Vậy là hơn 20 năm qua, 300 hộ gia đình ở thôn Phước Thuận không khác gì bị hành hạ do quá trình khai thác đá. Đáng lo ngại nhất là ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nguy cơ tai nạn giao thông do xe chở đất đá luôn rình rập.

Ồ ạt khai thác đá ở Đà Nẵng - Ảnh 3.

Ô nhiễm do mỏ đá gây ra kéo dài suốt hàng chục năm. Không thể sống chung với mỏ đá, người dân thôn Phước Thuận đề nghị lãnh đạo thành phố được giải tỏa người dân đi nơi khác hoặc không gia hạn giấy phép khai thác mỏ. Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng này chưa được giải quyết rốt ráo. Không biết họ còn chịu đựng đến bao giờ?

Ồ ạt khai thác đá ở Đà Nẵng - Ảnh 4.

Cánh đồng rộng hàng trăm hecta từng là bờ xôi ruộng mật, cung cấp gạo cho 300 hộ dân thôn Phước Thuận giờ thành cánh đồng hoang. Mỗi mùa mưa, bùn đất từ các mỏ đá chảy ra khiến ruộng đồng bồi lấp dần. Nhiều mỏ đá còn biến đất ruộng của người dân thành bãi chứa phế phẩm sau khai thác.

Việc hỗ trợ vài trăm nghìn đồng một mùa vụ cho nông dân không thấm vào đâu so với những thiệt hại mà nông dân gánh chịu. Mỗi 1m3 đá, doanh nghiệp đóng thuế khoảng 20.000 đồng nhưng bán tại mỏ lại thu về số tiền gấp hàng chục lần. Mỏ đá không khác gì là mỏ vàng. Tiền chảy vào túi chủ mỏ, còn hệ lụy thì những người dân quanh mỏ đá phải hứng chịu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước