Theo hình ảnh người dân địa phương ghi lại một lần nổ mìn khai thác đá của mỏ đá An Khánh, mỗi lần như vậy, một lượng bụi lớn phủ trùm lên cao và nếu gặp gió sẽ phát tán sang khu dân cư. Chưa kể, đá còn bị bắn văng vào nhà dân.
Sống cách vị trí mỏ đá nổ mìn chỉ hơn 100m, ông Lai (xóm Đẩu, xã Yên Lạc) cho biết, từng không ít lần bị đá bắn văng vào nhà. Vụ nghiêm trọng nhất cách đây 2 năm, một tảng đá to bắn xuyên qua mái tôn, lao chéo xuống phá vỡ một mảng ghế của nhà ông. Rất may mắn là khi đó không có người đang ngồi trong phòng khách.
Chị Đức (xóm Đẩu, xã Yên Lạc) chỉ cho phóng viên xem hiện trường một tảng đá bắn sang từ mỏ đá găm ở bãi chè nhà chị. Vụ việc xảy ra hồi năm 2019, tảng đá khá to, gặm sâu và găm chặt xuống đất. Chị Đức cho biết, không ít những hòn đá văng xa bay qua cả mái nhà chị.
Người dân tại đây không chỉ lo sợ với tình trạng đá văng, mà còn chịu ảnh hưởng của bụi và tiếng ồn.
Trả lời phóng viên qua điện thoại, đại diện của mỏ đá An Khánh cho biết, tình trạng đá văng sang nhà dân đều xảy ra cách đây vài năm trước. Còn hiện tại đơn vị này đã cải tiến cách thức nổ mìn, nên đã không còn tình trạng đá văng gây nguy hiểm cho người dân.
Về phần mình, lãnh đạo UBND huyện Phú Lương xác nhận với phóng viên, thực tế cơ quan chức năng có ghi nhận thực trạng như người dân phản ánh.
Phương án giải quyết triệt để nhất là di dời những hộ dân trong vùng nguy hiểm này ra chỗ khác. Tuy nhiên, do việc thỏa thuận mức giá đền bù khó đi đến thống nhất, nên đến nay các hộ dân này vẫn chưa được di dời đi nơi khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!