Sống chung với ô nhiễm
Một số cơ sở sản xuất trái phép đã bị dỡ bỏ nhưng nhiều cơ sở mới lại hoạt động.
Lửa vẫn đỏ bên những lò cô đúc nhôm, ống khói vẫn nghi ngút suốt ngày đêm. Nhiều người lao động biết là ô nhiễm nhưng vẫn phải làm vì cuộc sống mưu sinh.
Giữa làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, bãi xỉ thải từ quá trình cô đúc nhôm, giờ mỗi ngày một đầy hơn - lên tới hơn 300 nghìn tấn gồm các chất nguy hại là thành phần kim loại nặng như xỉ nhôm, cadimi, crom, mangan đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Người phụ nữ này hàng ngày phải đi mót lại nhôm từ đống xỉ cũng phải trang bị từ gang tay, khẩu trang và kính, nhưng vẫn không ngăn được ô nhiễm không khí và mùi khó chịu.
Đầu năm 2022, UBND huyện Yên Phong đã cưỡng chế 140 hộ dân xây dựng và đốt lò nhôm trái phép tại làng nghề Mẫn Xá. Nhưng sau một thời gian, nhiều cơ sở trái phép khác lại xuất hiện.
Xã Văn Môn có 5 thôn nhưng chỉ có thôn Mẫn Xá có nghề cô đúc nhôm. Đây lại là thôn nằm ở trung tâm của xã. Vì thế, khói bụi và mùi lúc nào cũng bủa vây toàn xã. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, các thành phần độc hại trong không khí ở thôn Mẫn Xá như lưu huỳnh, ô xít nhôm luôn vượt mức cho phép tới hàng chục lần.
Những cành cây trong thôn hiếm khi thấy đâm chồi, nảy lộc. Cuộc sống và cảnh quan của cả vùng đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm.
Cách đây 7 năm, Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đã bắt đầu được xây dựng nhưng chỉ cách khu dân cư 30 m. Với kỳ vọng, cụm công nghiệp sẽ là nơi di dời các cơ sở ở trong làng nghề để sản xuất tập trung, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường. Nhưng giờ, Cụm công nghiệp Mẫn Xá vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh nghiệm thu do chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Trong khi trên thực tế, các cơ sở sản xuất không có giấy phép về môi trường lại hoạt động từ lâu. Ô nhiễm lan rộng từ làng nghề sang cụm công nghiệp ngày càng rõ ràng.
Ô nhiễm làng nghề lan rộng
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất Nhôm của ông Nguyễn Tiến Thành ở Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá sản xuất được 3 tấn nhôm thành phẩm. Tương đương với gần 3,2 tấn vỏ lon nhôm. Nhưng để cô đúc từ các vỏ lon, các công nhân bắt buộc phải qua nhiều công đoạn.
Mỗi lô đất tại đây từ 300 đến 400 m2, được chủ đầu tư bán cho các chủ cơ sở sản xuất làng nghề. Từ đó đến nay, gần 140 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn đi vào hoạt động.
Theo UBND huyện Yên Phong, năm 2021, Chủ đầu tư Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đã bị xử phạt hành vi kinh doanh bất động sản khi cụm công nghiệp này chưa đủ điều kiện đi vào hoạt động.
Theo Luật bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường thuộc về UBND các cấp, các doanh nghiệp tại làng nghề, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ đầu tư cụm công nghiệp làng nghề khi chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cho phép các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động.
80% làng nghề gây ô nhiễm
Câu chuyện về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và những khó khăn, bất cập trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường, sự lan rộng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề sang các cụm công nghiệp làng nghề như ở làng nghề Mẫn Xã cũng đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Bởi nhu cầu phát triển, mở rộng của các làng nghề ngày một lớn trong khi quỹ đất thì ngày càng hạn hẹp.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có gần 2 nghìn làng nghề truyền thống thì có tới gần 80% làng nghề, các cụm công nghiệp làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho thấy, gần 79% làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhiều làng nghề như sản xuất giấy Phong Khê, Bắc Ninh, dệt nhuộm ở Hưng Hà tỉnh Thái Bình đã trở thành điểm nóng về môi trường. Một trong những hạn chế của các làng nghề là sản xuất thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp, mặt bằng nhỏ hẹp, hệ thống cấp thoát nước xuống cấp, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều hộ làm nghề và các doanh nghiệp còn hạn chế. Làng nghề truyền thống cũng là nơi ở của các hộ dân nên việc xử lý mạnh tay, dứt điểm của các cơ quan chức năng với các chủ cơ sở sản xuất có nhiều khó khăn.
Giải pháp xử lý ô nhiễm làng nghề
Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các làng nghề mang lại nhiều giá trị kinh tế, việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn. Nhưng do cách làm nặng tính tự phát, quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất bỏ qua yếu tố môi trường nên nhiều nơi giờ phải gánh chịu những ảnh hưởng ô nhiễm. Nhiều giải pháp đã được thực hiện như phá bỏ các cơ sở sản xuất trái phép không có công trình bảo vệ môi trường, di dời ra xa khu dân cư, nhưng tại không ít địa phương, sau một thời gian ngắn, ô nhiễm môi trường lại đâu vào đấy.
Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra toàn diện về ô nhiễm, tình trạng vi phạm pháp luật tại làng nghề. Đồng thời tăng cường kiểm tra đề xuất và triển khai các cơ chế, giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng khác trong cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!