Xóm Diễn, xã Tân Đức có gần 20 hộ gia đình xây nhà bên dưới đường điện 25 KW. Cách đây hơn 2 tháng, khi phát hiện hộ gia đình đổ móng làm nhà, ngành điện đã phải thông báo với chính quyền địa phương lập biên bản và yêu cầu gia đình này ký cam kết không xây nhà cao tầng bên dưới đường điện.
Nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện còn hiện hữu ở cả những khu vực trồng keo. Cách đây 1 tháng, khu đất trồng keo đã được ngành điện yêu cầu phá bỏ, do cây mọc quá cao sát với đường điện tuy nhiên ngay sau đó người dân lại tái trồng. Điện lực Phú Bình cho biết, cây keo phát triển nhanh. Nếu không được theo dõi chặt chẽ rất nguy hiểm, cây mọc sát với đường điện rất dễ gây ra hiện tượng phóng điện, cháy chập điện.
Nguy cơ cháy chập điện cũng có thể xảy ra ở những vị trí làm đường nông thôn mới. Bởi khi triển khai các dự án như thế này, mặt đường thường được mở rộng, tôn cao, khiến khoảng cách an toàn với đường dây bị thu hẹp. Năm ngoái, Điện lực Phú Bình đã phải xử lý đột xuất gần 20 trường hợp bằng cách nối dài thêm cột điện.
"Chúng tôi mong muốn trước khi triển khai các dự án làm đường giao thông nông thôn, địa phương sẽ thông báo sớm để chúng tôi được tham gia ngay từ khâu quy hoạch để chủ động bố trí kinh phí, nhân công triển khai kịp thời việc nâng cấp cải tạo đường dây cho đảm bảo an toàn", ông Dương Văn Hạnh, Giám đốc Điện lực huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết.
Theo thống kê trên địa bàn huyện Phú Bình đang tồn tại hơn 200 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hành lang lưới điện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!