Phận người “sống mòn” giữa lòng thành phố

Minh Toàn (VTV Digital)-Thứ bảy, ngày 22/07/2023 11:55 GMT+7

VTV.vn - Nằm ngay khu “đất vàng” của thành phố Hà Nội nhưng khu tập thể số 11 Vọng Đức đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi sử dụng.

Những căn hộ... 6m2

Khu tập thể số 11 Vọng Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1963 dành cho công nhân nhà máy cơ điện cũ, đến năm 1995 được bàn giao cho địa phương khai thác và quản lý. Lần cuối khu tập thể được nâng cấp, cải tạo đã cách đây gần 30 năm. Hiện nay khu tập thể đang trong tình trạng xuống cấp, xập xệ, buộc những hộ dân ở đây phải sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, thiếu sáng…

Cả khu có 4 tầng, mỗi tầng gồm 10 căn hộ rộng từ 6 - 24 m2 nhưng mỗi dãy chỉ có một nhà vệ sinh chung. Không gian sống chật chội, ẩm thấp, thậm chí ánh sáng tự nhiên không thể lọt vào từ hành lang đến các lối dẫn, cầu thang buộc phải thắp đèn điện cả ngày lẫn đêm.

Phận người “sống mòn” giữa lòng thành phố - Ảnh 1.

Khu hành lang thiếu sáng phải thắp đèn điện suốt ngày đêm để đảm bảo đủ ánh sáng sinh hoạt.

Vì vậy, để tăng thêm diện tích sống, các gia đình đành phải tự vá víu, cơi nới thêm bếp ăn, nhà tắm, chỗ phơi quần áo. Nhiều căn hộ ở đây đã cơi nới thêm tầng hay "chuồng cọp" để tăng diện tích sử dụng, gây áp lực lên hạ tầng công trình vốn đã xuống cấp, xập xệ.

Bên trong khu tập thể, mạng lưới đường ống dẫn nước, đường dây điện chằng chịt như mạng nhện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhiều người còn "đánh liều", tận dụng phơi quần áo ngay cạnh đường dây điện bởi đó là chỗ duy nhất có ánh sáng tự nhiên đủ để làm khô quần áo.

Phận người “sống mòn” giữa lòng thành phố - Ảnh 2.

Những mảng tường bong tróc để lộ lớp vôi ve vốn đã mốc xanh vì thời gian.

Những mảng tường bong tróc, lộ cả phần lõi sắt đã hoen gỉ. Phần trần nhà với hệ thống dầm, xà bằng gỗ cũng sớm đã "lồ lộ" trước mắt những hộ dân sống ở đây. Không chỉ như vậy hệ thống khu nhà vệ sinh chung của từng tầng bốc mùi hôi nồng nặc do các công trình này đã xuống cấp nên đường ống thải thường xuyên bị tắc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Mỗi phòng có diện tích khoảng 6m2, trước được phân cho những người độc thân nhưng giờ họ sớm đã bán để chuyển đi nơi khác hoặc cho thuê lại. Khu tập thể bây giờ chỉ còn những người già chứng kiến từng sự thay đổi của khu tập thể và những người trẻ đến thuê.

6m2 là không gian đã tích hợp đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn và phòng sinh hoạt chung. Không gian chỉ vừa kê đệm nằm sớm đã trở thành nhà của nhiều hộ dân sinh sống tại đây. Nhiều nhà do "hàng xóm" đã chuyển đi nên đã ghép vào thành những căn hộ 12-24m2.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (73 tuổi, Vọng Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người chứng kiến từng sự thay đổi của khu tập thể cho biết: "Nhà tôi trước có 5 người sống với nhau trong ‘căn hộ’ 12m2 vừa làm phòng khách, vừa làm phòng ăn, vừa sinh hoạt… Bếp thì đặt ngoài hành lang, chứ chỗ ngủ còn không đủ thì nói gì đến bếp ăn".

Sống trong thấp thỏm lo âu

Phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu, nhưng không phải ai trong những khu tập thể, tòa chung cư xập xệ nào cũng sẵn sàng di dời để chính quyền tu sửa bởi nhiều lý do khác nhau.

Theo như chia sẻ của những người thuê nhà tại khu tập thể số 11 Vọng Đức, vì giá cho thuê rẻ, với mức thu nhập ít ỏi nên nhiều người chấp nhận "bám trụ" tại nơi đây. "Bám trụ" ở lại đồng nghĩa với việc người dân đã gắn số phận của mình với khu tập thể xuống cấp, xập xệ này.

Bà Hoa cho biết: "Ngày trước thì nhà 5 người, bây giờ chồng mất, các con đi làm, sang khu khác ở thì 12m2 tôi ở vẫn đủ. Già rồi, sống được bữa nào hay bữa ấy, lo lắng gì nữa…". Khoảng không 12m2 vốn dành cho 5 người ở nay chỉ còn mình bà Hoa sinh sống nên 12m2 là "đủ" để bà Hoa "dưỡng già".

Phận người “sống mòn” giữa lòng thành phố - Ảnh 3.

Hệ thống đường ống dẫn nước, đường dây điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Lo hệ thống dây điện chằng chịt gây mất an toàn, lo kết cấu hạ tầng vốn đã xuống cấp nay lại phải chịu thêm những "chuồng cọp" được cơi nới, lo sập, những nỗi lo cứ xếp chồng lên nhau đè nặng lên suy nghĩ của những hộ dân bên trong khi tập thể.

"Mong ước lớn nhất của chúng tôi là được cơ quan chức năng quan tâm, sớm có những biện pháp, chính sách để người dân tái định cư tại chỗ hoặc đền bù thỏa đáng để chuyển đi" - Một người dân chia sẻ.

Phận người “sống mòn” giữa lòng thành phố - Ảnh 4.

Khu vệ sinh chung thường xuyên bị tắc do đường ống thải xuống cấp, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Dù trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, điều kiện sống khó khăn, nhưng do nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm nên mỗi căn hộ ở đây vẫn có giá vài trăm triệu đồng/m2.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội, hiện có 1.579 chung cư cũ (2 - 5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư.

Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Do đó, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là rất cấp thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước