"Sợi dây" kết nối người dân với chính quyền địa phương
Nhắc đến thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng là nhắc đến nghề nấu rượu cần và ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Bởi, ông Nghĩa được được biết đến như người "giữ lửa" cho nghề nấu rượu cần truyền thống của người Cơ Tu.
Ông Nghĩa kể, rượu cần lưu giữ bản sắc văn hóa của người dân thôn Phú Túc với hương vị rất dân dã, truyền thống, được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, qua thời gian, nghề nấu rượu cần dần bị mai một.
Do đó, ông luôn trăn trở tìm hướng đi để hồi sinh và bảo tồn nghề này, sau đó là mong muốn truyền nghề lại cho các thế hệ người Cơ Tu địa phương.
Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc
"Rượu cần Phú Túc là sản phẩm mà khách du lịch khi đến đây thường chọn để trải nghiệm và mua về làm quà. Thời gian qua, các sở, ban, ngành của thành phố hỗ trợ rất nhiều nên việc gìn giữ, bảo tồn làng nghề cũng khá thuận lợi", ông Nghĩa bày tỏ.
Không chỉ trăn trở với nghề nấu rượu cần, ông Nghĩa còn là một trong số ít những người uy tín trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò của mình, ông tích cực vận động người dân tham gia các phong trào kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Ông như "sợi dây" kết nối người Cơ Tu thôn Phú Túc với chính quyền địa phương.
Nhờ đó, những năm qua, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân trong thôn luôn được phát huy và lan tỏa tích cực. Cộng đồng người Cơ Tu đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của địa phương, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa – văn minh,…
Qua các cuộc họp chi bộ, ông Nghĩa phổ biến các văn bản, chỉ đạo mới của cấp ủy cấp trên, phân công cụ thể từng phần việc, giao cho các đảng viên trong chi bộ thực hiện. Chính sự tích cực, nhiệt huyết của người Bí thư Chi bộ mà các chủ trương, phong trào của địa phương đều được người Cơ Tu thôn Phú Túc hưởng ứng tích cực.
Nói về người Bí thư Chi bộ luôn hết lòng vì công việc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Phú Đặng Huynh chia sẻ: "Ông Lê Văn Nghĩa là người đồng bào Cơ tu, nhiều năm làm Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn được bà con tín nhiệm, bầu làm người uy tín, tiêu biểu trong nhiều năm liền. Ông đã tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động bà con đồng bào dân tộc tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, tránh xa các tệ nạn xã hội, cũng như xóa bỏ các tập tục lạc hậu và không nghe theo lời kích động của kẻ xấu. Nhờ đó, trong nhiều năm liền tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thôn Phú Túc được đảm bảo".
Phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số
Tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng để công tác vận động, tuyên truyền, đấu tranh ngăn ngừa tội phạm hiệu quả, ban ngành các cấp đã tham mưu cho huyện, thành phố xem xét, lựa chọn người có uy tín để ra quyết định công nhận.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh cho biết, hiện nay, xã Hòa Bắc có 2 người uy tín tiêu biểu và 26 người uy tín do Công an xã phối hợp với hệ thống chính trị 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí xét chọn. Trong 28 người thì có các già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ, giáo viên, nhân viên y tế và những người có uy tín tham gia các lĩnh vực khác.
Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực vận động người dân tham gia các phong trào kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương
Nhằm giúp nâng cao vai trò, chất lượng của lực lượng người uy tín, các cơ quan, ban ngành phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, các thông tin cần thiết về tình hình chính trị - xã hội, an ninh trật tự của địa phương cho lực lượng cốt cán, người uy tín.
Địa phương cũng kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ đối với công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín. Đồng thời hướng dẫn già làng, người uy tín tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử,..
Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, động viên, thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi có người uy tín trong đồng bào dân tộc bị ốm đau, gặp khó khăn, tổ chức tặng quà nhân các ngày lễ, Tết của đất nước và Lễ hội của dân tộc. Tổ chức các hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín; đưa người uy tín đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa tại các tỉnh khác.
"Bằng những thông tin được nghe, thấy, Người có uy tín sẽ là nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền tại địa phương. Có thể nói, người có uy tín thực sự là những trụ cột vững chắc ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí", ông Thanh nhìn nhận.
Vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng
Tại huyện Hòa Vang, hệ thống chính trị tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được quan tâm và củng cố. Người dân tộc thiểu số đều giữ các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn, Phó trưởng thôn; Trưởng, Phó ban công tác Mặt trận; Bí thư, Phó bí thư đoàn thanh niên; Chi hội trưởng, Chi hội phó các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội ở của thôn, được hưởng chế độ phụ cấp quy định của HĐND TP Đà Nẵng.
Hiện, trên địa bàn thành phố có 6 người là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền các cấp luôn chú trọng phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trong công tác triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và bảo đảm an ninh – quốc phòng tại địa phương.
Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Thành phố đã và đang thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để họ yên tâm làm việc, chung sức cùng chính quyền địa phương vận động bà con đồng thuận với các chủ trương của Nhà nước và thành phố, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!