Phát huy vai trò của y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao

Q.Hương-Thứ sáu, ngày 18/08/2023 11:11 GMT+7

Các đại biểu tham dự Hội nghị Sơ kết Chương trình Chống lao Quốc gia 6 tháng đầu năm

VTV.vn - Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Hội nghị Sơ kết Chương trình Chống lao Quốc gia 6 tháng đầu năm và phương hướng trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 vừa diễn ra sáng nay (18/8) tại Nghệ An.

Thông tin tại Hội nghị cho thấy, mặc dù hệ thống phòng chống lao bao phủ rộng khắp trên toàn quốc, tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhưng vẫn còn khoảng đến 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, điều trị và báo cáo. Để có thể thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, năm nay Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam đề cao và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá mới trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng. Mạng lưới Y tế cơ sở đủ năng lực triển khai hoạt động rộng khắp chính là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao – "kẻ giết người" thầm lặng.

Theo đó, hệ thống phòng chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung, các dịch vụ khám chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhằm đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất với các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lao để người bệnh được chẩn đoán bệnh sớm và đưa vào điều trị, cắt đứt nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Phát huy vai trò của y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao - Ảnh 1.

Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, Chương trình Chống lao Quốc gia/Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng chống lao các tuyến, đây là yếu tố quan trọng để các dịch vụ khám chữa bệnh lao có chất lượng cao tới được với người dân, đồng thời kết hợp với tuyên truyền, giáo dục về bệnh lao cho người dân, bệnh lao hoàn toàn có thể được chẩn đoán và điều trị khỏi như các bệnh hô hấp khác, thông điệp này sẽ góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh lao trong cộng đồng, tăng sự chủ động của cộng đồng trong tiếp cận khám chữa bệnh lao, đây là yếu tố then chốt để làm giảm nhanh dịch tễ bệnh lao, hướng tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao Quốc gia đã có sự cải thiện đáng kể, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước khi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong 6 tháng tiếp theo, bên cạnh việc khẩn trương triển khai hiệu quả các hoạt động dự án nguồn Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023, nguồn CDC, USAID,...  đã được Bộ Y tế và nhà tài trợ phê duyệt; Chương trình tiếp tục hoàn thiện các quy trình vận động và tiếp nhận viện trợ cho hoạt động phòng chống lao giai đoạn tiếp theo, tích cực tham mưu Bộ Y tế và các bộ ngành trình Chính phủ có các chính sách hỗ trợ người bệnh lao, mở rộng phát hiện chủ động tại cộng đồng, lồng ghép trong hệ thống y tế cơ sở, vận động sự cam kết và hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương cho công tác phòng chống lao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước