Đây là quy định mới, có hiệu lực thi hành từ tháng 9 này. Trước tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo các giao dịch dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng phức tạp kéo dài, việc có quy định xử phạt nặng được coi là giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Theo quy định mới, để hạn chế những vụ kiện phức tạp hoặc giả giấy tờ, giả mạo người hoặc giao dịch giả cách, những người dân ký hợp đồng "giả tạo", sẽ bị xử phạt, số tiền lên đến 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, thẩm quyền lập biên bản hành chính đối với người vi phạm chỉ dành cho viên chức phòng công chứng nhà nước. Các công chứng viên tại các văn phòng công chứng tư nhân khi phát hiện giấy tờ giả, hoặc giao dịch giả cách chỉ có quyền từ chối chứ không thể lập biên bản đề nghị xử phạt.
Hội công chứng TP.HCM cho biết, tại TP.HCM chỉ có dưới 10% phòng công chứng nhà nước, trong khi 90% là tổ chức hành nghề công chứng tư nhân. Do đó, cần mở rộng quy định thẩm quyền của cả các văn phòng công chứng tư nhân.
Ở góc độ khác, Luật sư Hà Hải cho rằng, ngoài quy trách nhiệm, xử phạt người dân, cần xác định cả trách nhiệm của công chứng viên khi chứng thực hồ sơ.
Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, hiện TP có gần 100 tổ chức hành nghề công chứng, Hiện các đơn vị này vẫn chủ yếu theo hướng giải thích quyền nghĩa vụ cho các bên giao dịch; chưa có nhiều trường hợp xử phạt hành chính khi phát hiện vụ giao dịch giả cách, mà thường phát hiện khi các bên khởi kiện tại tòa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!