Ngày 09 - 10/7, Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội. Sáng 09/7, đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh đã diễu hành quanh Hồ Gươm dưới sự theo dõi của đông đảo người dân.
Oai hùng, mạnh mẽ và vững chãi là những gì người xem cảm nhận trên bước chân của những người lính kỵ binh.
Công tác huấn luyện và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh đã được Việt Nam tổ chức vào tháng 01/2020. Đến nay, chúng ta đã nhìn thấy thành quả và một lần nữa trong Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN + 2022, người dân có dịp chiêm ngưỡng màn diễu hành đặc biệt của những cảnh sát cơ động kỵ binh.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh đã chuẩn bị như thế nào? Cùng theo chân BTV Thụy Vân tới nơi đào tạo, huấn luyện của lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh được đặt tại Sông Công, Thái Nguyên.
Nằm trên diện tích khoảng 10ha, khu chăm sóc và huấn luyện ngựa của đội kỵ binh được trang bị đầy đủ từ chuồng trại, khu chăm sóc y tế, khu thả riêng, chăm sóc ngựa con. Giống ngựa châu Á phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, có sức chống chịu tốt mọi địa hình.
Điều đặc biệt, lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh còn cho lai, nhân giống giữa các giống ngựa với nhau và đã có những F1 ra đời nuôi dưỡng thành công.
Một khu huấn luyện đầy nắng gió, cát bụi, nụ cười của các chiến sĩ trên lưng ngựa luôn ẩn sau đó là mồ hôi, công sức mà họ dành ra để thực hiện nhiệm vụ.
Chia sẻ về nhiệm vụ của Đội Cảnh sát cơ động, kỵ binh trong lễ diễu hành ASEAN + 2022, Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an cho biết, đó là tổ chức đội hình khối diễu duyệt để biểu dương lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh. Nhận được kế hoạch với thời gian rất ngắn, chúng tôi đã tiến hành tổ chức tập luyện. Mặc dù đó là kế hoạch tập luyện kết hợp với hoạt động tập luyện thường xuyên, chúng tôi bố trí tập luyện để làm sao đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh trật tự ở ASEAN +.
Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng.
Thượng tá Lê Sỹ Hà - Phó Trưởng đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an cho biết, đơn vị có khoảng 70 ngựa phục vụ công tác huấn luyện và hơn 30 ngựa bố mẹ.
Đây là giống ngựa châu Á được nhập về, có tính kỷ luật rất cao, sức bền tốt, dẻo dai và có ngoại hình phù hợp với người Việt Nam, phù hợp với điều kiện tác chiến của lực lượng Cảnh sát cơ động trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thượng tá Lê Sỹ Hà cho biết thêm, để phục vụ cho công tác nghiệp vụ của lực lượng công an, theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tới đây, chúng ta sẽ phối hợp với một số ngựa bản địa để thích nghi với môi trường, điều kiện tự nhiên của Việt Nam.
Một ngày làm công tác huấn luyện cho ngựa, lịch tương đối kín. Sáng thường bắt đầu từ 6h30-7h và đến khoảng 10h. Sáng làm công tác vệ sinh và cho ngựa ăn, sau đó kiểm tra lại sức khỏe của ngựa xem có đủ điều kiện để đem ra huấn luyện hay không. Buổi chiều thường bắt đầu từ 13h30. Bên cạnh đó, buổi tối, chúng tôi xây dựng chương trình, kế hoạch để cho cán bộ, chiến sĩ cũng như là lãnh đạo, chỉ huy để tập luyện những nội dung phù hợp, sát thực tế chiến đấu và nhiệm vụ đơn vị
Thượng tá Lê Sỹ Hà
Các chiến sĩ, những người trực tiếp chăm sóc những chú ngựa, gặp không ít khó khăn khi làm quen và thuần hóa những chú ngựa ban đầu như những chú ngựa hoang.
Thời gian đầu ngựa về đây, chúng như ngựa hoang. Chúng tôi phải thuần hóa và điều khiển ngựa rất khó. Chúng thường hất người lên hất xuống, không cho ngồi lên lưng. Tuy nhiên, người ngồi trên lưng ngựa càng chịu đựng bao nhiêu thì con ngựa thì càng nghe mình bấy nhiêu.
"Mỗi con ngựa có một tính nết riêng. Tôi là lính mới nên tay lái khi đó rất yếu, vô tình hỏng dây cương, bị ngựa hất ngã xuống. Ngựa giẫm lên tay khiến tôi bị gãy tay. Khoảng một năm, tôi mới có thể cưỡi ngựa trở lại. Ban đầu rất sợ nhưng mà công việc nên càng ngày càng thích".
Đằng sau hình ảnh các chiến sĩ Cảnh sát cơ động kỵ binh ngồi trên lưng ngựa và có thể cưỡi ngựa diễu hành, thậm chí là tham gia vào các công tác khác, đó là công sức rất lớn.
BTV Thụy Vân - người chưa biết gì về ngựa, chưa bao giờ cưỡi ngựa - đã có trải nghiệm đáng nhớ với cảm giác ngồi trên lưng ngựa, nhờ sự trợ giúp của Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!