Theo những con số thống kê, tổng số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay đã lên tới 18.062, ghi nhận ở 55 tỉnh thành. Trong đó, riêng tại TP. HCM, tính tới trưa 6/7, số ca mắc mới được ghi nhận trong vòng chưa đầy 24 tiếng đã gia tăng 209 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại thành phố lên tới 7.114 ca.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chiều nay ngày 6/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phiên họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 để triển khai một số phương hướng trong thời gian tới.
Qua khám sàng lọc tại bệnh viện, xét nghiệm giám sát tại cộng đồng, Thành phố phát hiện các trường hợp mắc bệnh xuất hiện hầu hết ở các khu vực: cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, doanh nghiệp, các chợ đầu mối - truyền thống - tự phát, tại các cơ sở y tế... Điều này cho thấy, mầm bệnh vẫn đang tiếp tục len lỏi, lây lan trong cộng đồng. Trong đó, tập trung lây lan và bộc phát mạnh ở khu vực có môi trường thuận lợi, tiếp xúc gần gũi như khu công nghiệp, nhà trọ, chợ, người lao động vùng ven…
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Quốc gia đã đưa ra những biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn những mối nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong đó, việc kiểm soát các khu công nghiệp, các xóm trọ và chợ đầu mối được đặt lên hàng đầu; cần tạo điều kiện xét nghiệm nhanh với người dân lại các khu vực nói trên.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP. HCM cần đàm phán với các tỉnh, thành lân cận về việc giám sát người ra vào chặt chẽ. Theo đó, người ra vào TP. HCM phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 3 ngày trở lại đây.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các ngành chức năng cần phối hợp nghiên cứu để triển khai việc cấp mã QR Code cho những người đã có kết quả xét nghiệm, góp phần thuận lợi trong quá trình người dân ra, vào thành phố hoặc đến các địa điểm, khu vực trong thành phố.
Cũng trong phiên họp, Phó thủ tướng đã biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các cấp lãnh đạo, lực lượng chức năng đã không quản ngại gian khổ, khó khăn để chung tay đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên trong thời gian tới là giai đoạn căng thẳng nhất và cần nhiều sự cố gắng hơn nữa để chấm dứt thời kỳ giãn cách, mang lại đời sống ổn định cho nhân dân, đặc biệt là đối với những hộ nghèo và những người thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng hãy đoàn kết, đồng lòng và có ý thức trách nhiệm cao hơn để tự bảo vệ cuộc sống của chính mình./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!