Phòng chống đuối nước khi du lịch biển
Biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là nơi được gia đình chị Lê Thị Hiền (xã Hoàng Thành, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) lựa chọn để cùng nhau trải nghiệm kỳ nghỉ hè. Chị Hiền cho biết, khi đến đây, vợ chồng chị đã lựa chọn các bãi tắm an toàn và trang bị áo phao cho các con. Trong quá trình vui chơi, tắm biển, cả 2 vợ chồng luôn chú ý quan sát, không để các con ra khỏi tầm mắt bởi đây là biện pháp quan trọng phòng ngừa đuối nước.
Tuy nhiên vẫn có không ít trường hợp trẻ hiếu động, tò mò tìm cách di chuyển ra xa, thất lạc cha mẹ. Theo Ban quản lý khu du lịch biển Sầm Sơn, mỗi ngày có hơn 20 trường hợp trẻ em thất lạc. Rất nguy hiểm khi đội cứu hộ phát hiện, nhiều em đang ở trong vùng nước nguy hiểm và có nguy cơ bị đuối nước.
Ông Dương Đức Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thông tin thể thao và du lịch thành phố Sầm Sơn, Thanh Hoá cho biết: "Rất nguy hiểm, nhất là những khu vực nước sâu hay những hôm sóng to. Sóng biển có thể kéo, cuốn cả những người biết bơi, thậm chí là bơi giỏi chưa nói đến trẻ em, nhất là những em chưa biết bơi. Do vậy, khi cho trẻ em ra biển, người lớn luôn phải quan sát các em trong tầm mắt".
Bãi biển Sầm Sơn sóng không quá lớn, bãi cát thoải, không ghi nhận hiện tượng sút lún nhưng lại có hiện tượng dòng chảy xa bờ nguy hiểm. Theo lực lượng cứu PCCC&CHCN Công an tỉnh Thanh Hoá, quá trình sóng biển đánh vào bờ liên tục thường tạo ra một dòng chảy theo hướng đi ngược lại từ bờ ra biển. Khi đó, dòng nước sẽ hình thành dòng chảy xa bờ. Đây là nguyên nhân dẫn đến 80% các trường hợp cứu nạn và đuối nước trên biển.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ bãi biển Sầm Sơn cũng đặc biệt lưu ý người dân, trước khi xuống tắm biển cần dành thời gian quan sát các biển báo nguy hiểm, tốt nhất là nên tìm gặp nhân viên cứu cứu nạn cứu hộ bờ biển để tìm hiểu kỹ thông tin, giúp nhận dạng và phòng tránh dòng chảy xa bờ.
Đuối nước không chỉ xảy ra ở biển, ở các bãi tắm của các khu du lịch. Đuối nước cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở các sông suối, ao hồ, hố nước công trình hay ở ngay trong bể bơi. Nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong do đuối nước chủ yếu bắt nguồn từ việc thiếu quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa cũng như những kỹ năng sơ cứu ban đầu. Không ít các trường hợp không có kỹ năng cứu đuối đã trở thành nạn nhân tiếp theo.
Phòng chống đuối nước ở bể bơi, ao hồ
Lớp học bơi của Trung tâm hoạt động và bồi dưỡng cán bộ thanh thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa, ngoài việc dạy các học viên bơi ếch, bơi sải hay cách giữ thăng bằng trên mặt nước, Trung tâm còn đặc biệt quan tâm tới việc dạy cho các em các kỹ năng xử lý tình huống, phòng vệ cho bản thân trước nguy cơ đuối nước.
Theo các giáo viên dạy bơi, kỹ năng nhận dạng người đang đuối nước rất quan trọng. Kỹ năng này nhằm nhanh chóng đánh giá sơ bộ tình hình để áp dụng biện pháp cứu đuối sao cho phù hợp và hiệu quả.
Trường hợp người bị nạn còn ý thức và ở gần bờ, nếu không biết bơi hoặc không tự tin vào khả năng bơi lội của mình hãy hô hoán kêu gọi sự trợ giúp. Hoặc sử dụng các vật dụng có sẵn hay các thiết bị cứu đuối ở hồ bơi như gậy hay phao bơi ném ra để nạn nhân bám vào, sau đó kéo lên bờ. Trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ thì đó là lúc cần phải nhảy xuống nước để cứu nạn nhân.
Khi cứu người bị nạn bất tỉnh lên cần đặt ngửa ở mặt phẳng, nơi thoáng khí. Nếu người bị nạn cơ thể tím tái, không thở được thì ngay lập tức phải tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không lơ là khi con chơi ở môi trường nước, nhắc nhở trẻ tuân thủ mọi nguyên tắc ở bể bơi hay khu vui chơi dưới nước. Tuyệt đối không tự ý xuống nước khi chưa có sự cho phép của người lớn, ngay cả khi trẻ đã biết bơi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!