Mới đây, tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), một chiếc xe máy điện trong lúc chờ đèn đỏ bất ngờ bốc cháy dữ dội. Chỉ sau 15 phút, cả chiếc xe chỉ còn trơ khung sắt. Trước đó, tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, hỏa hoạn thiêu rụi cả ngôi nhà 5 tầng khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân được cho là do bình ắc quy của chiếc xe đạp điện để ở tầng 1 của ngôi nhà bị chập dẫn đến cháy nổ.
Cháy nổ xe đạp điện, xe máy điện nguy hiểm thế, nhưng phần lớn người sử dụng đều không có thói quen kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện định kỳ. Chỉ khi xe xảy ra sự cố mới đưa xe đi kiểm tra khiến cho nguy cơ cháy nổ phương tiện có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
''Tôi đi xe được 1-2 năm rồi nhưng chưa gặp sự cố cháy nổ. Thường 1-2 năm, tôi mới đi bảo dưỡng xe 1 lần'' - anh Đoàn Duy Hưng, người dân quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết.
Đáng lo ngại khi hiện nay, bên cạnh các dòng xe đạp điện, xe máy điện có thương hiệu, có đầy đủ giấy tờ kiểm định, chứng nhận an toàn thì cũng có rất nhiều dòng xe được lắp ráp, gia công từ các phụ tùng trôi nổi. Có giá thành rẻ nhưng lại không được các cơ sở cung cấp đảm bảo về chất lượng, nhất là chất lượng bình ắc quy. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ cháy nổ xe đạp, xe máy điện thời gian qua.
Để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc do cháy nổ xe đạp điện, xe máy điện, trong quá trình sử dụng cần thường xuyên đưa xe đi bảo dưỡng, trung bình 6 tháng/lần. Khi phương tiện có dấu hiệu hư hỏng như bốc mùi khét, không nên tiếp tục sử dụng mà nên đem đến ngay nơi sửa chữa uy tín để được kiểm tra. Bên cạnh đó, cũng cần sạc điện đúng quy cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Anh Nguyễn Đức Thắng, kỹ sư xe đạp, xe máy điện cho biết: ''Để tránh rủi ro, chúng ta nên sử dụng các loại sạc chính hãng, có thông số của sạc trùng thông số của xe. Chúng ta không nên sạc khi mới sử dụng xe xong, thời gian lý tưởng là từ 40 phút đến 1 tiếng sau khi sử dụng mới cắm sạc. Sau khi sạc xong cũng không nên đi ngay, nên để tầm 30 phút đến 1 tiếng mới sử dụng xe''.
Tại khu vực để xe đạp điện, xe máy điện nên bố trí phương tiện chữa cháy để thuận tiện sử dụng khi có sự cố xảy ra. Đối với nhà riêng hay các chung cư tập thể, xe đạp, xe máy điện phải để khu vực riêng và có khoảng cách an toàn với các loại phương tiện khác. Chỉ nạp trong thời gian nhất định. Trong lúc nạp phải có người trông coi, không nạp qua đêm để tránh các sự cố cháy nổ không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Người dân cũng không nên để xe đạp điện, xe máy điện ở những nơi có nhiệt độ cao hay những nơi ẩm ướt khiến xe dễ bị chập điện. Không nên thay đổi hay độ chế, lắp thêm các thiết bị điện không cần thiết vì điều này cũng gây ảnh hưởng tới hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!