Phương pháp hiện đại chẩn đoán, điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Nguyên Phương-Thứ ba, ngày 04/10/2022 21:22 GMT+7

Một trường hợp suy giãn tĩnh mạch chi dưới cấp độ C2 với tĩnh mạch nổi gồ ghề trên da. Ảnh: shutterstock

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang áp dụng nhiều phương pháp hiện đại, ít xâm lấn trong chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Trì hoãn điều trị khiến suy giãn tĩnh mạch tiến triển nặng

Là tiếp viên hàng không phải đứng và di chuyển nhiều, anh Trần Tâm (28 tuổi) xuất hiện triệu chứng nặng mỏi chân, đau và tê chân, chuột rút hai chân về đêm cách đây khá lâu. Dù những đám tĩnh mạch đã giãn to như giun ngoằn ngoèo cả hai chân, nhưng nghĩ bệnh này chỉ gặp ở phụ nữ nên anh không thăm khám. Cho đến khi đám tĩnh mạch lan rộng hơn, chân phù, đau nhức, không thể đứng lâu, anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh mới biết bị suy giãn tĩnh mạch cấp độ C2, cần thực hiện thủ thuật.

Cũng bị suy tĩnh mạch chi dưới cấp độ C1, được bác sĩ tư vấn dùng thuốc, mang vớ tĩnh mạch, hạn chế đứng/ngồi quá lâu một chỗ, không mang giày cao gót… nhưng cho rằng bệnh nhẹ nên chị Ngọc Lý (33 tuổi, nhân viên bán hàng) không tuân thủ điều trị. Chân ngày càng tê mỏi, có dấu hiệu phù, chị Lý xoa bóp thấy đỡ nên càng chủ quan. Khi tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo trên da kèm phù chân, chị đi khám thì bệnh đã tiến triển cấp độ C3.

Trường hợp anh Vĩnh Hòa (37 tuổi) dù dùng vớ tĩnh mạch đúng chỉ định của bác sĩ, nhưng không tuân thủ nguyên tắc giảm cường độ tập gym nên bệnh tiến triển nặng từ cấp độ C2 sang cấp độ C4.

Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch ở mỗi giai đoạn có thể khác nhau. Giai đoạn một, bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng với tĩnh mạch giãn li ti dưới da theo kiểu mạng nhện. Giai đoạn 2, các tĩnh mạch nổi gồ ghề, ngoằn ngoèo trên da như giun. Giai đoạn 3, bệnh nhân có triệu chứng giãn và phù tĩnh mạch và thay đổi màu sắc da như chàm trong giai đoạn 4. Giai đoạn 5 có loét, tiến triển và lành được nhưng không lành trong giai đoạn 6.

Phương pháp hiện đại chẩn đoán, điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới - Ảnh 1.

ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thực hiện thủ thuật đốt Laser điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Ảnh: Thu Hà

Nhiều bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới cho rằng bệnh chỉ gặp ở người trên 50 tuổi, là vấn đề của phụ nữ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, ai làm công việc đứng/ngồi lâu thì mới mắc bệnh… Do đó, có đến 75% người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển, tĩnh mạch nổi gồ ghề trên da, chàm da…

Trong khi đó, suy giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Những người làm công việc như bán hàng, công nhân dệt may, chế biến thủy hải sản, giáo viên… thường xuyên đứng lâu; hay người béo phì, ít vận động, mang vác nặng, tiền sử gia đình mắc bệnh tĩnh mạch, phụ nữ mang thai, người béo phì, đái tháo đường… đều có nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

"Nếu không được điều trị tích cực và phòng ngừa từ sớm, suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nhẹ có thể tiến đến cấp độ C5, C6. Việc trì hoãn không điều trị tích cực khiến những mạch máu giãn nở, vỡ ra gây loét, dẫn đến quá trình điều trị phức tạp, tốn kém hơn", bác sĩ Hằng nói.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng kỹ thuật hiện đại

Theo bác sĩ Hằng, có nhiều phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch như nội khoa hoặc ngoại khoa. Phương pháp nội khoa bao gồm việc dùng thuốc, đeo vớ áp lực tĩnh mạch. Loại vớ này có tác dụng tạo áp lực ở phần ngoài da để ép các tĩnh mạch nông cũng như các hệ tĩnh mạch sâu ở chân lại, không cho việc ứ máu xảy ra quá lâu. Nếu việc điều trị bằng thuốc và dùng vớ tĩnh mạch không hiệu quả sẽ áp dụng biện pháp ngoại khoa.

Giai đoạn một có thể điều trị nội khoa hoặc chích xơ vào những tĩnh mạch giãn li ti dưới da. Từ giai đoạn 2 có thể áp dụng nhiều phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch như laser tĩnh mạch, đốt sóng cao tần hoặc hiện đại nhất là bơm keo sinh học Venaseal trong lòng tĩnh mạch hiển lớn. Những phương pháp điều trị hiện đại nhất trên thế giới đều đã được thực hiện tại BVĐK Tâm Anh.

Phương pháp hiện đại chẩn đoán, điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới - Ảnh 2.

Hình ảnh chi dưới của bệnh nhân khi bị suy giãn tĩnh mạch (hình A) và sau khi được điều trị bằng phương pháp đốt laser (hình B). Ảnh: Thu Hà

Bác sĩ Hằng chia sẻ, hai kỹ thuật đốt Laser và sử dụng sóng cao tần can thiệp nội mạch đang được thực hiện ở BVĐK Tâm Anh cho hiệu quả tương đương nhau, thời gian thực hiện ngắn, trong khoảng 60-90 phút. Sau thủ thuật, người bệnh có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Các triệu chứng đau mỏi chân, phù chân cũng giảm một cách đáng kể.

Đối với các trường hợp suy giãn tĩnh mạch đang điều trị nội khoa, người bệnh cần tái khám sau một năm để được đánh giá tình trạng bệnh để có hướng xử trí can thiệp ngoại khoa nếu cần.

"Sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch, người bệnh cần hạn chế ngồi lâu, đứng lâu. Trường hợp không thể thay đổi tính chất công việc nên đeo vớ áp lực tĩnh mạch, sau 30-45 phút phải thay đổi tư thế. Chẳng hạn, nếu ngồi nhiều thì phải đứng lên đi lại, nếu đứng lâu thì phải ngồi kê cao chân lên. Chế độ ăn uống cần bổ sung nhiều rau, củ, quả, giúp tiêu hóa tốt hơn, giảm áp lực vùng hậu môn và chân khi đi đại tiện; hạn chế thức ăn nhanh, tránh ăn mặn; không uống rượu bia và hút thuốc lá…", bác sĩ Hằng lưu ý.

Để đặt lịch khám với các chuyên gia Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, độc giả vui lòng liên hệ:

- Hà Nội:

108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội

Hotline: 1800 6858

- TP. Hồ Chí Minh:

2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Hotline: 028 7102 6789 - 0287 300 6858

- Website: https://tamanhhospital.vn/

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước