Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm: Có nên xem xét nới lỏng quy định tạm giữ xe vi phạm?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 31/03/2023 05:56 GMT+7

VTV.vn - Nhiều xe tang vật, xe vi phạm được cơ quan công an cả nước tạm giữ đang chất đống hư hỏng, biến dạng tại các kho bãi dưới trời mưa nắng do điều kiện bảo quản kém.

Đây là thực trạng ở không ít bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Tài sản lúc đưa vào tạm giữ giá trị 10 đồng, đến khi đưa ra chỉ còn 1 đồng, thậm chí là sắt vụn.

Lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ tồn đọng quá lớn

Tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tồn đọng hơn 31 nghìn phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ. Đó mới chỉ là con số tính đến hết tháng 2, chứ hiện tại thì con số này còn lớn hơn nhiều. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ tổ chức 4 đợt đấu giá để thanh lý hơn 16 nghìn xe vi phạm mà không có người đến nhận.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm: Có nên xem xét nới lỏng quy định tạm giữ xe vi phạm? - Ảnh 1.

Hình ảnh xe vi phạm nằm trong các bãi tạm giữ đang bị hư hỏng dần theo thời gian.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm: Có nên xem xét nới lỏng quy định tạm giữ xe vi phạm? - Ảnh 2.

Hiện, thành phố chỉ mới đấu giá 1 đợt, thanh lý được gần 4.000 xe vi phạm, thu về 2.7 tỷ đồng. Số phương tiện còn lại đang lưu giữ tại 7 kho bãi chuyên dụng của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Công an thành phố. Mỗi năm đơn vị này đều phải tổ chức đấu giá thanh lý xe vi phạm. Riêng năm 2021, vì lý do dịch bệnh, nên chỉ thực hiện được 1 đợt đấu giá, thu về 1.9 tỷ đồng. Xe cũ chưa thanh lý xong thì xe vi phạm mới bị tạm giữ lại đến. Trung bình mỗi ngày, lực lượng cảnh sát giao thông tạm giữ thêm 500 phương tiện vi phạm. Vì thế, các kho bãi giữ xe vi phạm không chỉ của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt mà tại các quận, huyện đều rơi vào tình trạng quá tải.

Bất cập tại các kho bãi tạm giữ

Muốn giảm tải nhanh phải có thêm kho bãi. Trong khi đất thì không nở ra mà nguy cơ mất an toàn từ việc quá tải thì cận kề. Kể cả việc cơi nới tận dụng không gian trên không cũng không giải quyết được vấn đề, bởi không phải kho bãi giữ xe nào cũng đủ điều kiện. Chính điều này gây áp lực không nhỏ cho lực lượng cảnh sát giao thông khi quyết định xử phạt.

TP Hồ Chí Minh hiện có 7 kho bãi đang giữ phương tiện vi phạm quá thời gian nộp phạt. Trong số này có 1 kho mượn và 1 kho thuê. Ngoài chi phí thuê kho, để duy trì hoạt động của 1 bãi giữ xe cần thêm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, phòng cháy chữa cháy… Những nguồn này đang phải dùng ngân sách để chi trả trong thời gian 1 - 2 năm, chờ đủ điều kiện đấu thầu thanh lý.

Trong khi đó, có những kho bãi mà theo báo cáo của Công an TP Hồ Chí Minh, chưa được trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy. Mặc dù các xe trước khi đưa vào bãi đều được rút xăng và tháo bình ác quy, nhưng với thời tiết nắng nóng như thế này, cộng thêm xe không sử dụng được chất đống, xếp sát nhau, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Đây cũng là nỗi lo chung tại tất cả bãi giữ xe vi phạm. Thực tế nguy cơ này đã từng trở thành hiểm họa tại TP Hồ Chí Minh.

Quá tải các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm: Có nên xem xét nới lỏng quy định tạm giữ xe vi phạm? - Ảnh 3.

Một vụ cháy tại bãi tạm giữ xe vi phạm từng xảy ra.

Một vụ cháy này từng xảy ra năm ngoái tại bãi tạm giữ xe ở đường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, thiêu rụi hơn 2.000 phương tiện. Đến thời điểm này, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt vẫn đang khắc phục, xử lý hậu quả. Giữ thì lo mà không giữ thì không hoàn thành nhiệm vụ - nhiều khi quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm lại trở thành gánh nặng, dù mục đích là đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Bất cập quy định thẩm định, đấu giá xe vi phạm

Bãi giữ xe quá tải, trong khi thủ tục đấu giá thanh lý xe cũ thì quá dài. Vòng luẩn quẩn này khiến bài toán bảo quản, đấu giá xe vi phạm chưa thể được giải trong suốt nhiều năm qua. Chỉ khi nút thắt pháp lý được gỡ, địa phương mới mạnh dạn thực hiện đấu giá, thanh lý xe vi phạm thay vì làm mà nơm nớp sợ sai.

Nếu theo quy định, để đấu giá, thanh lý 1 chiếc xe máy vi phạm quá thời hạn nộp phạt, nhanh nhất phải mất 1.5 năm. Ngoài việc phải đảm bảo quy định về xác minh, giám định phương tiện là vô chủ không đủ điều kiện sử dụng, một trong những yêu cầu bắt buộc trước khi địa phương đưa ra phương án đấu giá là phải có sự đồng thuận của Bộ Công an. Đây cũng là điểm nghẽn khiến thời gian thực hiện đấu giá, thanh lý xe vi phạm kéo dài, tạo áp lực cho kho bãi hiện tại.

Dù đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều đợt đấu giá, thanh lý xe vi phạm, thế nhưng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh thừa nhận vẫn còn lúng túng khi thực hiện. Thực tế, lực lượng cảnh sát giao thông không có nghiệp vụ để thẩm định giá, còn thuê đơn vị bên ngoài lại không có kinh phí để trả. Trong khi phải xác định giá khởi điểm ban đầu mới mời được thầu.

Người đã quý xe thì họ sẽ sớm hoàn thành thủ tục để nhận lại. Còn không thì dù thời gian kéo dài bao lâu cũng không khiến chủ tài sản sốt ruột. Tình trạng xe vi phạm chất đống ở bãi tạm giữ tồn tại nhiều năm qua cho thấy sự phối hợp giải quyết của cơ quan chức năng với chủ phương tiện vi phạm chưa hiệu quả. Đồng thời thủ tục xử lý, thanh lý phương tiện vi phạm rườm rà... Đòi hỏi sự quyết liệt trong sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Đấu giá tài sản. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an và các cơ quan liên quan đến thủ tục đấu giá tài sản.

Cùng trao đổi về thực trạng này với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước