Với 3.450 sông, suối, trong đó có 392 con sông liên tỉnh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào. Nhưng trong số đó, 63 % nguồn nước bắt nguồn từ quốc gia khác chảy vào Việt Nam.
Thống kê cả nước, tổng lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm hơn 80%, nhưng mỗi đơn vị mét khối nước chỉ tạo ra 2,37 USD. Trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD. Như vậy hiệu quả sử dụng nước chúng ta chỉ bằng 1/10 trung bình thế giới.
Trong khi đó, tình trạng thiếu nước diễn ra gay gắt hơn do thời tiết cực đoạn, khô hạn.. và cũng xuất phát từ sự ô nhiễm. Cần khai thác nguồn tài nguyên nước, phân bổ và sử dụng như thế nào? Trách nhiệm của ai?
Tại Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng đặt ra mục tiêu rất cụ thể chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Thực tế, việc bảo vệ môi trường đã được Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương. Ví dụ, tại tỉnh A, nếu có trường hợp nhà máy gây ô nhiễm, Chủ tịch tỉnh có thể xử phạt hành chính với mức cao nhất hoặc đình chỉ, đóng cửa nhà máy. Nhưng tại nhiều khu vực, tình trạng ô nhiễm vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng đầu nguồn xả thải, các tỉnh cuối nguồn phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm… nước xả thải lại trở thành nước tưới sản xuất nông nghiệp.
Một ví dụ điển hình: Cống Xuân Quan, huyện Gia Lâm, Hà Nội là điểm bắt đầu của kênh đào thủy lợi Bắc Hưng Hải, chảy qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, cung cấp nước sản xuất và tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp.
Đầu tháng 3 năm nay, mực nước sông Hồng bị hạ thấp gần 1m so với thiết kế. Trạm bơm không thể lấy nước để phục vụ cho vụ Đông Xuân. Vì thế, nguồn nước ô nhiễm tồn dư trong nhiều năm của hệ thống Bắc Hưng Hải trở thành nước tưới.
Kết quả quan trắc môi trường của Viện Nước tưới tiêu và Môi trường mới đây cho thấy, tại kênh Bắc Hưng Hải, nhiều điểm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ tiêu vi sinh Coliform vượt tiêu chuẩn từ 256 đến 6.400 lần.
Chạy dài 232 km, từ Hà Nội tới Bắc Ninh, Hưng Yên rồi kết thúc ở cống An Thổ, đoạn chảy ra sông Thái Bình, thuộc TP Hải Dương. Từ công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc một thời và từng được gọi là Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Công trình biểu tượng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm 60, giờ là một dòng kênh ô nhiễm.
Còn tại lưu vực sông Nhuệ Đáy, ô nhiễm môi trường cũng trở thành vấn đề bức xúc của người dân. Từ một sông lấy nước từ sông Hồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nay trở thành một dòng sông dẫn nước thải của thành phố gần 10 triệu dân. Vào mùa khô, nước sông càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng trăm ha lúa ở khu vực xã Cự Khê với xã Mỹ Hưng của huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội buộc phải dùng nguồn nước ô nhiễm này để tưới.
Tổng công suất của các nhà máy xử lý nước thải ở Hà Nội đang hoạt động chỉ đạt chưa đầy 29%. Thấp hơn so với mục tiêu đến năm 2020 là 60% lượng nước thải của Hà Nội được xử lý.
Theo kế hoạch, 2 năm nữa, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá mới đi vào hoạt động. Đến lúc đó, khoảng một nửa lượng nước thải của Hà Nội sẽ được xử lý. Nghĩa là từ nay đến năm 2025, người dân dọc các sông này vẫn phải sống bên cạnh và sử dụng nguồn nước ô nhiễm này cho nông nghiệp.
Tình trạng đầu nguồn xả thải, các tỉnh cuối nguồn phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm… nước xả thải lại trở thành nước tưới sản xuất nông nghiệp. Thực tế, cách đây hơn 10 năm, Chính phủ đã thành lập các ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông như sông Cầu, sông Đồng Nai, và sông Nhuệ Đáy. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực, sau từng ấy năm, các đề án này đã bộc lộ không ít vướng mắc, khó khăn khi cơ chế hoạt động không hiệu quả.
Cùng trao đổi về thực trạng này với ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!