Tại Quảng Nam, trong cả ngày hôm nay (7/10), mưa lớn tiếp tục kéo dài, có nơi lên đến 250 mm, mực nước trên các con sông lớn bắt đầu tăng. Mưa lớn cũng gây ra ngập cục bộ nhiều nơi, đặc biệt tại khu vực đô thị.
Hiện tại, Quảng Nam đang chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ, nhất là các phương án chống ngập lụt vùng trũng thấp, sạt lở đất khu vực miền núi; Đồng thời chỉ đạo các hồ chứa thủy điện sẵn sàng đón lũ và thực hiện điều tiết lũ cho vùng hạ du.
Hồ thủy điện Đăk Mi 4, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là một trong 4 hồ thủy điện lớn nhất Quảng Nam. Những ngày qua, lưu vực các hồ thủy điện này đều có mưa lớn. Tuy nhiên hiện nay, hồ này vẫn ở xấp xỉ mặt nước chết và có thể tích thêm được 100 triệu mét khối. Do các hồ thủy điện tăng cường tích nước, dù có mưa lớn nhưng lượng nước về hạ du rất hạn chế, khó gây ra lũ lớn. Tuy nhiên, với dự báo đợt mưa lớn kéo dài, các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia vẫn xây dựng phương án xả lũ.
Mới đây, mưa lớn do hoàn lưu bão số 5 vừa qua khiến nhiều huyện miền núi Quảng Nam bị thiệt hại rất nặng nề. Toàn bộ hệ thống giao thông huyện Đông Giang, Tây Giang đi biên giới bị chia cắt. Nhiều công trình giao thông bị phá hủy vẫn chưa khắc phục. Đến nay, thêm đợt mưa lũ này chắc chắn thiệt hại dự báo sẽ gia tăng. Tỉnh Quảng Nam đã tập trung hỗ trợ chính quyền địa phương miền núi để ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng di dời những ngôi làng ở khu vực ven sông suối có nguy cơ bị lũ quét và sạt lở đất uy hiếp.
Hàng năm, 9 huyện miền núi Quảng Nam thường xuyên hứng chịu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngoài việc yêu cầu các chủ hồ thủy điện đảm bảo an toàn tuyệt đối, tỉnh Quảng Nam cũng đã ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương miền núi tích trữ lương thực, tập trung nhân vật lực, phương tiện, đề phòng sạt lở tuyến đường Hồ Chí Minh và các tuyến quốc lộ 14B, 14G và 40B.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!