TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có khoảng 1.000 ngôi nhà cổ. Từ 10 năm nay, tỉnh Quảng Nam đã có cơ chế hỗ trợ tài chính để trùng tu, bảo tồn các công trình cổ này. Nguồn hỗ trợ này dù không đủ để bảo tồn tất cả các ngôi nhà cổ tại Hội An nhưng dù sao đây cũng là một kinh nghiệm rất đáng tham khảo của Quảng Nam.
Chỉ tính riêng khu vực phố cổ, Hội An đã có hơn 1.150 di tích. Di tích dày đặc nhưng sở hữu phần lớn thuộc về tư nhân. Ví dụ như ngôi nhà số 120 Trần Phú đang trong quá trình tu sửa vốn có nhiều đồng sở hữu. Để triển khai được dự án sửa chữa khi nhà đã quá xuống cấp, thủ tục phía Nhà nước mất thời gian đã đành, với chủ sở hữu cũng không phải dễ.
Hội An được ví là một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị cổ xưa nhưng di sản này lại nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, là vùng rốn lũ nên năm nào phố cổ cũng bị nước lũ nhấn chìm. Hàng chục ngôi nhà cổ bị tàn phá, hệ thống di tích ngày càng xuống cấp nhanh hơn. Vì vậy, từ hàng chục năm qua, nhất là khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, người dân ở đây đã được tuyên truyền, tập huấn rất nhiều kiến thức về bảo tồn nhà cổ, để từ đó chung tay cùng Nhà nước trong việc bảo vệ di tích.
Từ năm 2004, tỉnh Quảng Nam phê duyệt cơ chế hỗ trợ đầu tư để bảo tồn các nhà cổ. Theo đó, những di tích xếp hạng đặc biệt ở mặt tiền sẽ được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, ở trong kiệt (ngõ, hẻm) hỗ trợ 75%. Với các di tích nhà cổ loại 1, loại 2 mức hỗ trợ của Nhà nước sẽ là 45% ở mặt tiền và 65% ở trong kiệt. Nhờ đó, hàng chục ngôi nhà đã được trùng tu bảo vệ nhưng so với nhu cầu thực tế hiện nay đây chỉ là con số rất nhỏ trong gần 1.000 ngôi nhà cổ ở Hội An, nhất là với những ngôi nhà người dân hoàn toàn không đủ nguồn tài chính đối ứng cho dù có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.