Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tuyên truyền hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền ở khu vực bãi ngang ven biển đầm phá và trên các sông; triển khai ngay công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị; có phương án bố trí các điểm sơ tán dân đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Bố trí lực lương kiểm soát, hỗ trợ hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người. Tổ chức gia cố đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản ven biển; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi an toàn và bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.
Chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu. Tăng cường kiểm tra giám sát, chỉ đạo các chủ đập thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và cho vùng hạ du. Bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị hư hỏng do mưa lũ.
Ngày 15/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, khu vực Quảng Trị trong đêm 14 và rạng sáng 15/10 có mưa to đến rất to, tập trung ở 2 huyện miền núi và huyện đồng bằng Hải Lăng. Chính quyền phải tổ chức sơ tán nhiều hộ dân ở vùng ngập lũ đến nơi an toàn.
Ngay trong đêm 14 và sáng 15/10, huyện Đakrông đã tổ chức sơ tán hơn 200 hộ ở vùng ngập lụt của các xã Ba Lòng, Tà Long, A Ngo và Húc Nghì đến nơi an toàn. Công việc sơ tán dân đến vùng an toàn tại huyện đang tiếp tục. Ngoài ra, huyện miền núi Hướng Hóa cũng đã tổ chức sơ tán được 25 hộ ở xã Thuận, huyện Hải Lăng sơ tán được 14 hộ ở xã Hải Lâm đến nơi an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!