Quy hoạch không gian ngầm đô thị: Muộn còn hơn không

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 20/04/2022 20:56 GMT+7

VTV.vn - Tới thời điểm này, TP Hà Nội mới phê duyệt quy hoạch không gian ngầm đô thị được cho là khá muộn nhưng muộn còn hơn không.

Hà Nội duyệt quy hoạch không gian ngầm đô thị

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện với tổng diện tích 756 km2, độ sâu tối đa 30 m. Đây là một trong những bản quy hoạch được mong chờ nhiều nhất suốt nhiều năm qua. Chưa bao giờ yêu cầu phải có quy hoạch không gian ngầm lại cấp bách như hiện nay. Các nhà thầu lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, các chủ đầu tư xây dựng hệ thống metro và cả các doanh nghiệp muốn xây dựng bãi đậu xe ngầm đều rất cần bản quy hoạch không gian ngầm để giúp họ phải làm gì và làm như thế nào cho hiệu quả và thuận tiện.

Có 20 quận, huyện ở Hà Nội được quy hoạch không gian ngầm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. TP Hà Nội xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực; và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe... Quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, hình thành ngày càng nhiều các đô thị, dẫn tới sự quá tải cả về hạ tầng đô thị và không gian công cộng. Trong khi đó quỹ đất xây dựng đô thị ngày càng cạn kiệt, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp. Việc xây dựng, khai thác và sử dụng không gian ngầm đô thị là một xu hướng tất yếu bởi đây là bài toán kinh tế, hiệu quả nhất để tránh ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng và ô nhiễm khói bụi.

Các nước phát triển đã nhận thức sớm được vai trò của không gian dưới mặt đất và đã thực hiện ngầm hóa đô thị từ rất lâu. Còn tại Việt Nam, việc khai thác không gian ngầm thời gian qua, tuy đã bắt đầu có sự quan tâm nhưng vẫn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ, mang tính cục bộ, khai thác cho mục đích riêng của từng dự án chứ không có sự kết nối. Do đó đến nay vẫn còn rất nhiều "khoảng trắng" không gian ngầm. Thậm chí còn gây cản trở, lãng phí nếu công tác quản lý cấp phép xây dựng không được thực hiện chặt chẽ. Câu chuyện về hầm đường bộ bỏ hoang, các công trình ngầm tự phát, rời rạc, không thể kết nối là hai trong số nhiều bất cập liên quan đến việc phát triển không gian ngầm tại Hà Nội hiện nay.

Buông lỏng quản lý không gian ngầm đô thị

Công trình xây dựng dân dụng nhà ở gia đình tại vùng lõi trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội. Nằm tại mặt tiền 1 trong 27 tuyến phố được TP Hà Nội quy định không xây dựng tầng hầm hoặc bán hầm nhưng không hiểu vì lý do gì, công trình vẫn được cấp phép xây dựng tới 4 tầng hầm trái với quy định và ngang nhiên xây dựng cả năm trời mà không gặp trở ngại gì.

Chưa tính tới việc công trình xây dựng không đúng cấp phép chiều cao hầm, chỉ tính với 4 tầng hầm cùng cột móng nhà, công trình này đã có độ sâu tới hơn 40m trong lòng đất. Nếu có quy hoạch mạng lưới ngầm như đường sắt đô thị đi qua thì công trình này sẽ là vật cản, gây khó khăn cho công trình ngầm đô thị. Đây cũng là chính vấn đề đang gây cho tuyến metro Nhổn ga Hà Nội bị chậm tiến độ, đội vốn thi công chỉ vì chưa thể di dời 7 cột móng nhà có độ sâu tương tự với công trình được cấp phép sai quy định này.

Hà Nội cũng có một số trung tâm thương mại dưới lòng đất nhưng đó chỉ là manh mún của một vài tòa nhà, thiếu tính liên kết đồng bộ với mạng lưới giao thông xung quanh.

Hà Nội cũng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng nhưng sau nhiều năm với nhiều lần bàn bạc, vẫn chưa có một bãi xe ngầm công cộng nào để giải quyết tình trạng xuất hiện các bãi đỗ xe tự phát lấn chiếm hành lang giao thông và phần vỉa hè dành cho người đi bộ.

Còn mạng lưới hầm bộ hành, dù được người dân khẳng định có được hệ thống 23 hầm bộ hành trong thành phố là rất tốt và an toàn nhưng đây là hiện trạng đang có: nhếch nhác, xuống cấp, có nơi chỉ lác đác vài người qua lại, có nơi chỉ để làm chỗ che mưa che nắng và làm chỗ ngủ trưa của nhiều người. Còn người đi bộ vẫn ngang nhiên bất chấp nguy hiểm băng băng qua đường.

Diện tích không gian ngầm dưới lòng đất tại các đô thị gần như đang bị bỏ trống, rất lãng phí hoặc không phát huy hiệu quả. Việc xây dựng các công trình ngầm thời gian qua diễn ra khá tùy tiện, thiếu sự liên kết. Trong khi không gian trên mặt đất đã quá ngột ngạt, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng đang diễn ra ngày càng trầm trọng.

Thực tế cho thấy, chúng ta dường như vẫn bỏ ngỏ không gian ngầm của các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các tiềm năng của không gian ngầm chưa được đánh thức để khai thác một cách hiệu quả. Tới thời điểm này, TP Hà Nội mới phê duyệt quy hoạch không gian ngầm đô thị được cho là khá muộn nhưng muộn còn hơn không và muộn thì sẽ phải quản lý, khai thác sao cho hiệu quả, đó là mối quan tâm đặc biệt ở thời điểm này.

Cơ hội từ quy hoạch không gian ngầm đô thị

Xây dựng các công trình ngầm sẽ đáp ứng được yêu cầu của một đô thị ngày càng đắt đỏ và khan hiếm diện tích mặt đất. Tuy nhiên, việc giám sát quản lý và khai thác hiệu quả được không gian ngầm đô thị hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có trình độ quản lý của các cán bộ quản lý ngay từ bước thẩm định cấp phép xây dựng.

Bên cạnh đó, cần coi không gian ngầm đô thị là một nguồn tài nguyên, là một kênh đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Tận dụng tốt tài nguyên không gian ngầm cũng thể hiện năng lực quản trị hiện đại, khoa học của chính quyền, nhà quản lý, đồng thời giúp đô thị trở nên đáng sống hơn.

Mỗi năm dân số Hà Nội tăng trung bình thêm khoảng 200.000 người. Hà Nội có khoảng 550.000 ô tô và khoảng 6 triệu xe máy, chưa kể hơn 1 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn. Trong khi tỷ lệ xây dựng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị thì việc xây dựng hệ thống giao thông, bãi đỗ xe dưới lòng đất, đi kèm với những khu đô thị, dịch vụ thương mại dưới lòng đất sẽ góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, làm giảm áp lực về mật độ xây dựng của Thủ đô.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước