Quy hoạch lâm nghiệp bảo đảm thực hiện cam kết COP26

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ sáu, ngày 11/11/2022 06:50 GMT+7

VTV.vn - Ngày 10/11, Hội đồng thẩm định Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng phục vụ đời sống nhân dân, làm sao phát huy hiệu quả, bền vững giá trị kinh tế của ngành. Đây là lần đầu tiên ngành lâm nghiệp có quy hoạch quốc gia, sẽ góp phần quan trọng trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng và đất lâm nghiệp.

Rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 50% lãnh thổ quốc gia, là nguồn tài nguyên sinh thái vô cùng quan trọng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng quy hoạch đảm bảo chất lượng, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch. 

Quy hoạch lâm nghiệp bảo đảm thực hiện cam kết COP26 - Ảnh 1.

Hội đồng thẩm định Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng (Ảnh: VGP)

Quy hoạch cần cập nhật thêm các xu hướng của thế giới, làm sao bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là cam kết COP26 đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050; rà soát, cập nhật, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Khi quy hoạch lâm nghiệp được phê duyệt sẽ làm cơ sở cho các địa phương trong việc lập quy hoạch của tỉnh mình.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện, xin ý kiến các thành viên Hội đồng trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; trong đó, cần xem xét kỹ càng, thận trọng con số diện tích đưa ra khỏi quy hoạch.

Theo Báo cáo tóm tắt về quy hoạch, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc là 16,34 triệu ha, chiếm 49% tổng diện tích tự nhiên (tính đến năm 2020); trong đó, đất có rừng là 14,67 triệu ha, tương ứng tỷ lệ che phủ rừng 42%. Những năm gần đây, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng. Giai đoạn 2010-2020, trồng rừng sản xuất mỗi năm đạt trên 200 nghìn ha. 

Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tục tăng trưởng ở mức cao; năm 2021, đạt 15,96 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thu trên 20 nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện đời sống nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước