Quy hoạch phố đi bộ: Nơi thành công, chỗ thưa vắng người

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 27/01/2024 05:55 GMT+7

VTV.vn - Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, có những mô hình phố đi bộ thành công, có mô hình vắng, không có khách tới.

Người dân đón nhận đề xuất phố Bàn Cờ thành phố đi bộ

Với TP Hồ Chí Minh, năm 2023 vừa qua có thể xem là năm của phố đi bộ với nhiều tuyến phố bắt đầu đi vào hoạt động và cũng có những mô hình đang được đề xuất. Tính đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh có 5 tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực đang hoạt động.

Ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ được tổ chức đi bộ toàn thời gian, các khu vực khác tổ chức đi bộ vào khung giờ nhất định dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết hoặc khi có sự kiện đặc biệt.

Mới đây nhất, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam cùng một số đơn vị đã đề xuất định hướng phát triển khu Bàn Cờ, quận 3 giống khu Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão mà nhiều người dân gọi là khu phố tây ở quận 1. Với nhiều người dân ở khu vực này, đây là tin vui.

Quy hoạch phố đi bộ: Nơi thành công, chỗ thưa vắng người - Ảnh 1.

Khu vực Bàn Cờ là nơi buôn bán, ăn uống sầm uất của quận 3. (Ảnh: PLO)

Cách đây hơn 10 năm, ngay trước hẻm 51 Cao Thắng, đoạn cắt ngang đường Bàn Cờ, quận 3, TP Hồ Chí Minh chỉ lác đác vài hộ kinh doanh giày dép và túi da. Càng về sau, nơi đây phát triển hơn và hình thành khu chợ chuyên kinh doanh những mặt hàng này. Thông tin về đề xuất khu Bàn Cờ phát triển giống khu Bùi Viện, quận 1 khiến nhiều người dân, nhất là những hộ kinh doanh khá hồ hởi.

Nhiều người dân đồng tình còn vì khu này luôn có một lượng khách nước ngoài tới đây tham quan mua sắm, chỉ cần băng qua đường là đến ngay khu ẩm thực nổi tiếng lâu nay. Điều người dân mong mỏi lúc này là dù vẫn chỉ là đề xuất thành phố đi bộ, nhưng những khu phố mang nét riêng như phố bán đồ si, phố ẩm thực vẫn cần được định hướng trong phát triển.

"Khi tiềm năng ngày càng phát triển thì người dân đổ xô đi mua sắm. Người ta biết chợ Bàn Cờ mua bán đồ sida rất nhiều nên người ta đổ xô đi mua. Nếu người kinh doanh giữ gìn trật tự chung thì con đường này sẽ sạch đẹp và phát triển hơn", anh Lê Vũ Hoàng Nhật Phong, quận 3, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Được biết, chính quyền địa phương đã cho kẻ vạch vàng tại mỗi tiệm bán hàng để quy định rõ, đâu là phần được phép buôn bán. Nhìn chung, khu phố này luôn tấp nập người qua lại và có khách ghé thăm. Trước đó, quận 3 từng đưa vào hoạt động phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền vào cuối tháng 12/2022.

Nên thận trọng khi quy hoạch phố đi bộ

Trái với sự hồ hởi của nhiều người dân, các chuyên gia cho rằng nên thận trọng khi quy hoạch phố Bàn Cờ thành phố đi bộ.

Trong mô hình tuyến phố đi bộ, ngoài các dịch vụ và ẩm thực, cần có các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, vui chơi giải trí, để tạo sức hút với du khách; chưa kể còn cần những không gian công viên, hồ nước, cụm di tích… để thưởng lãm. Khi chuyển một tuyến phố bình thường sang phố đi bộ, những giá trị này nhiều khi chưa thấy đâu, nhưng nhiều lợi ích đã phải hy sinh, đặc biệt là tạo áp lực lên giao thông.

Theo báo cáo của liên doanh tư vấn, khu vực xung quanh phố chợ Bàn Cờ giới hạn bởi đường Điện Biên Phủ, Cao Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Thái Tổ. Vì vậy, tỷ lệ thương mại dịch vụ trong khu vực khá cao, chiếm đến khoảng 60%. Tuy nhiên theo chuyên gia, việc đề xuất địa điểm là khu phố Bàn Cờ là chưa đầy đủ cơ sở và cần nhiều tiêu chí hơn.

"Hiện nay để hình thành một không gian đi bộ, tôi nghĩ không phải chỉ đến ăn uống, chỉ đến ẩm thực, mà tiêu chí ban đầu là thứ nhất về mặt giao thông phải tiếp cận dễ, phải tổ chức được điểm giữ xe, đậu xe hoặc kết nối khu vực khác tiếp cận dễ và giao thông cũng không bị ảnh hưởng. Xung quanh nếu chúng ta chặn những con đường lại và làm kẹt những chỗ khác thì yếu tố giao thông cũng là yếu tố quan trọng", Tiến sĩ Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm.

Một yếu tố nữa giúp phố đi bộ phát triển bền vững, giữ chân du khách lâu dài là văn hóa. Hiểu nôm na là khu phố ấy phải hình thành được không gian văn hóa, giúp du khách cảm thụ, hiểu hơn về giá trị của nơi đó, cảm thấy gắn bó và muốn quay lại tìm hiểu.

"Chúng ta phải có những công trình phải có dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, có thể tổ chức biểu diễn ca nhạc ngoài đường phố", Tiến sĩ Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Đến thời điểm này, đây chỉ mới là đề xuất, vẫn đang chờ tiếp tục nghiên cứu và quyết định. Xu thế trên thế giới là các đô thị lớn đặc biệt đô thị có phát triển du lịch, việc hình thành không gian phố đi bộ là tất yếu.

Phố đi bộ sẽ giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế, đặc biệt là kinh tế đêm. Điều này khá tương đồng với đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế đêm. Việc chọn lựa đúng sẽ phát huy giá trị về văn hóa, giúp phát triển kinh tế địa phương và làm đặc sắc hơn điểm đến TP Hồ Chí Minh.

Phố đi bộ thưa vắng người

Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, có những mô hình thành công, có mô hình vắng, không có khách tới. Rõ ràng thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào đặc thù từng khu vực và đặc biệt phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo của chính quyền sở tại.

Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã tại quận Ba Đình chính thức hoạt động từ cuối năm 2022, đến nay đã tròn 1 năm. Tuy nhiên những hình ảnh ghi nhận vào thứ Bảy vừa qua cho thấy, dù là cuối tuần nhưng khu phố khá im ắng vì vắng bóng du khách.

Hàng chục quán ẩm thực cùng trong cảnh ghế thừa, khách thiếu. Các chủ cửa hàng kinh doanh ở đây cho rằng, việc thiếu các dịch vụ đi kèm khiến khu phố chưa hấp dẫn du khách.

Quy hoạch phố đi bộ: Nơi thành công, chỗ thưa vắng người - Ảnh 2.

Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã tại quận Ba Đình chính thức hoạt động từ cuối năm 2022. (Ảnh: TTXVN)

"So với mặt bằng của các phố đi bộ ở đây là rất vắng, khu vực này đang thiếu các khu vui chơi, để các bố, các mẹ đưa con đến đây vừa thưởng thức ẩm thực, vừa có khu vui chơi để hàng ăn ở đây được đông đúc", chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng kinh doanh ẩm thực, cho biết.

Vắng khách, thiếu việc để làm, nhiều nhân viên tìm cách chơi để giết thời gian. Một nhóm bạn trẻ từ Huế ra Hà Nội để du lịch, nhưng chỉ khi vô tình đến Ngũ Xã, mới biết nơi đây là phố đi bộ. Dù vậy, họ cũng chỉ chơi loanh quanh chút sau đó đi sang chỗ khác.

Phố đi bộ Trần Nhân Tông tại quận Hai Bà Trưng cũng mở cửa từ cuối năm 2023. Sau thời gian đầu hoạt động tốt, gần đây, nơi này cũng thưa vắng khách. Một nhóm bạn trẻ nhà ở cách phố đi bộ Trần Nhân Tông chỉ vài km, nhưng sau gần 1 năm mới lần đầu đến đây.

Mỗi tuyến phố đi bộ mở ra mang theo kỳ vọng thu hút khách du lịch, cải thiện môi trường sống của người dân, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là làm cho có, mà là chất lượng các hoạt động, loại hình dịch vụ tạo ra giá trị của tuyến phố đó.

Cần định hướng mới cho phố đi bộ

Trong các phố đi bộ đang được triển khai, loại hình phố ẩm thực chiếm đa số. Các phố ẩm thực đều được hình thành dựa trên hoạt động kinh doanh ăn uống sẵn có tại các tuyến đường này, nhưng phố đi bộ đâu chỉ có ẩm thực. Cần những định hướng gì để phố đi bộ triển khai thành công? Câu chuyện từ đề án phố đi bộ công trường quốc tế - hồ Con Rùa, một trong những đề án theo dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 3 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Khu vực hồ Con Rùa và các nhánh đường dẫn đến trung tâm như Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Võ Văn Tần sẽ được phân chia thành 5 không gian chức năng theo đề án mà quận 3 đề xuất. Đề án được xây dựng dựa trên một số không gian đã được triển khai thí điểm từ năm 2022, vì vậy những tưởng sẽ thuận lợi để triển khai, nhưng đây là những băn khoăn của cư dân tại chỗ trong hội nghị phản biện đề án do Mặt trận Tổ quốc quận 3 tổ chức.

"Đây là phố đi bộ hay là phố ẩm thực bởi vì nếu không khéo,chúng ta có cái danh là phố đi bộ nhưng ruột bên trong nó là ẩm thực, mà đã là ẩm thực thì nó nhiều chuyện", ông Huỳnh Thiên Phúc, quận 3, TP Hồ Chí Minh, nói.

"Trong chung cư của tôi, những hộ kinh doanh rất lo lắng. 30 ngày trong tháng thì có 8 ngày khách của họ không vào được phía trong, ảnh hưởng đến kinh doanh của họ và những người buôn bán nhỏ trong khu phố chúng tôi", bà Nguyễn Thị Thu Hà, quận 3, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Lo lắng này xuất phát từ thực tiễn ngay tại địa bàn quận 3, khi phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền đi vào hoạt động.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch đô thị, phố đi bộ phải đáp ứng không gian để thư giãn, giao lưu với cộng đồng, trải nghiệm dịch vụ, trước hết là với cư dân tại khu vực. Để đi bộ phải cấm hoàn toàn các phương tiện giao thông, điều này sẽ rất khó thực hiện tại điểm nút vào khu vực trung tâm này. Đây có thể là lý do để đề án này chưa thể triển khai. Từ đề án này, cũng theo các chuyên gia, thay vì các mô hình như hiện nay, TP Hồ Chí Minh nên hướng tới tuyến phố thân thiện với người đi bộ. Như vậy, việc triển khai thu phí sử dụng vỉa hè để đảm bảo không gian cho người đi bộ hài hòa lợi ích kinh tế là việc không nên trì hoãn.

Hà Nội: Tạm dừng hoạt động phố đi bộ Hoàn Kiếm dịp Tết Nguyên đán 2024 Hà Nội: Tạm dừng hoạt động phố đi bộ Hoàn Kiếm dịp Tết Nguyên đán 2024

VTV.vn - UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động tại các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước