Quyết tâm bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa khô

Linh Chi - Duy Tuấn-Thứ ba, ngày 28/03/2023 15:54 GMT+7

VTV.vn - Mùa khô năm nay được dự báo sẽ không gay gắt như mùa khô các năm trước nhưng cũng gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Theo báo cáo, toàn tỉnh Long An hiện có trên 28.000 ha cây ăn trái, trong đó, có trên 22.000 ha đang trong giai đoạn cho trái, chủ yếu là cây lâu năm, nhiều loại có khả năng chống chịu cao với khô hạn và nắng nóng. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên chủ quan mà cần thường xuyên chăm sóc vườn cây nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong mùa khô năm nay.

Mặc dù được dự báo sẽ không gay gắt như các năm trước, tuy nhiên mùa khô năm nay vẫn sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Hiện nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An vẫn khá thuận lợi và đầy đủ. Tuy nhiên, các địa phương phải đối mặt tình trạng nắng nóng xảy ra với cường độ cao trong những ngày qua. Trong điều kiện thời tiết như vậy, nhiều loại cây ăn trái có thể giảm năng suất, bị chết nếu không được cung cấp đủ nước và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp.

Do mùa khô năm nay nắng nóng khá gay gắt nên nông dân cần chú ý các thông tin diễn biến của thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, tùy vào tình hình để có biện pháp ứng phó phù hợp, bảo vệ vườn cây ăn trái, nhất là cây có múi. Cụ thể, khi nhiệt độ cao thì không nên tưới ra hoa vì cây sẽ khó thụ phấn, rụng hoa. Nông dân cần tích cực chăm sóc, thảm cỏ từng gốc cây, thường xuyên tưới bảo đảm cây không bị thiếu nước; sử dụng phân bón hữu cơ trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng.

Quyết tâm bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa khô - Ảnh 1.

Nông dân cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phòng, trừ các loại dịch hại trên cây ăn trái.

Ngoài ra, người dân cần chủ động sử dụng tối đa các nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá cây khô, lục bình,…) hoặc màng phủ nông nghiệp tủ gốc để giữ ẩm cho cây. Chú ý cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế bốc thoát hơi nước; thường xuyên theo dõi và củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập, trữ nước ngọt, đảm bảo trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong mùa khô để bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái. Khi phát hiện cây đã bị nhiễm mặn, người dân cần nhanh chóng bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1.000 kg/ha (tùy vào loại đất). Trong trường hợp tình trạng hạn, mặn kéo dài, kiến nghị người dân phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân trung vi lượng chứa canxi, magie, silic,… giúp tăng khả năng đề kháng của cây.

UBND tỉnh Long An cũng chủ động thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng và địa phương; hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi và giống cây trồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang chú trọng hỗ trợ nông dân sản xuất trái cây theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và tích cực hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Đặc biệt, ngành hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp tưới nước tiết kiệm như tưới phun, tưới nhỏ giọt tự động, ít sử dụng nước và hạn chế việc rửa trôi phù sa, dinh dưỡng trong đất; tỉa cành, cắt bỏ nhánh già, yếu để "trẻ hóa" và điều chỉnh chiều cao của cây thuận lợi trong các khâu chăm sóc, thu hoạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước