Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa phát rẫy làm nương cũng là thời kỳ cao điểm mùa khô ở Tây Nguyên, Nam Bộ, nguy cơ cháy rừng rất cao. Diễn biến tiếp theo của mùa khô năm nay như thế nào, nguy cơ cháy rừng liệu có căng thẳng không?
Các vụ cháy rừng nửa đầu tháng 3
Thời điểm này đang là giai đoạn giữa mùa khô ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Dù từ đầu mùa đến nay mức nhiệt hay nắng cũng chưa quá gay gắt nhưng thực tế nhiều vụ cháy rừng trong mùa khô đã xảy ra, không chỉ gây thiệt hại về rừng mà có cả thiệt hại về người.
Trong nửa đầu tháng này, 3 vụ cháy rừng đã liên tiếp xảy ra. Ngày 6/3, tại Đắc Nông, cháy ở khu vực rừng trồng, chủ yếu là loại rừng hỗn giao, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa.
Ngay sau đó 1 ngày, một vụ cháy 7ha rừng xảy ra ở huyện Sa Thầy, Kon Tum. Đây là khu vực rừng trồng sản xuất, chủ yếu là bạch đàn. Đáng tiếc, đã có 2 người tử vong tại hiện trường do ngạt khói.
Tiếp đến là ngày 10/3 cháy rừng tràm ở An Giang, thiệt hại 5ha. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định do một số người dân làm ruộng gần rừng Tràm đốt gốc rạ làm cháy lan ra.
Cả 3 vụ cháy trên đều xảy ra trong những ngày nắng khô, gió lớn, việc dập lửa thủ công nên mất khá nhiều thời gian, nhân lực mới có thể dập tắt hoàn toàn.
Nguy cơ cháy rừng Tây Nguyên
Ở khu vực Tây Nguyên, kiểu rừng trồng thường là thông, khộp, bạch đàn dễ cháy hơn những cánh rừng khác. Mùa này là giai đoạn cây rừng thay lá, lớp thực bì dày, cỏ cây khô giòn, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong sử dụng lửa như đốt rẫy, hun khói lấy mật ong hay đơn giản một tàn thuốc lá cũng có thể châm ngòi thành đám cháy lớn, cộng thêm nắng nhiều, độ ẩm rất thấp, cháy sẽ lan nhanh, thậm chí có thể bốc lên cao khi có thêm yếu tố gió, sẽ khiến cho công tác dập lửa khó khăn. Chưa kể, nhiệt độ trong đám cháy rừng có thể lên đến 1.500 độ C. Đặc biệt, lượng khói lớn từ đám cháy sẽ dẫn đến nguy cơ gây ngạt thở cho những người gần khu vực cháy.
Nguy cơ cháy rừng cao nhất là ở Tây Nguyên. Bởi hiện nay, cả khu vực này có đến hơn 1 triệu ha rừng có khả năng xảy ra cháy cao, phân bổ 5/5 tỉnh đó là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong đó, 3 tỉnh là Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, tỷ lệ diện tích rừng có nguy cơ cháy 50% - 69%, chiếm gần 1 nửa cho đến 2/3 tổng diện tích rừng của cả tỉnh.
Hàng loạt cánh rừng ở Tây Nguyên hiện đang nằm trong nguy cơ cháy cấp 4-5, cấp nguy hiểm đến cực kỳ nguy hiểm. Với cảnh báo cháy rừng cấp 5, phân bổ rải rác ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Không chỉ Tây Nguyên, một số diện tích rừng ở An Giang thuộc miền Tây Nam Bộ cũng có nguy cơ cháy cấp 5. Một số diện tích rừng khác như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau cũng nằm trong cảnh báo cháy cấp 4. Mức cảnh báo này cho biết, rừng sẽ rất dễ cháy nếu xảy ra sơ suất khi sử dụng lửa.
Cộng đồng tích cực tham gia phòng chống cháy rừng
Trước tình hình hiện nay, các lực lượng bảo vệ rừng ở nhiều địa phương phía nam, nhất là tại Tây Nguyên đang đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng. Trong đó, cũng phải nhắc đến sự tham gia tích cực của cộng đồng, của chính những người dân sống ven rừng. Bởi họ ngày càng ý thức hơn giá trị của rừng mang lại và bảo vệ những giá trị đó.
Được nhận giao khoán quản lý trên 100 ha rừng từ Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh, thời gian này, tổ quản lý rừng Cộng đồng làng Đê Kjiêng, xã A Yun, huyện Mang Yang, luôn cắt cử người dân tham gia thu dọn thực bì, phòng chống cháy rừng. Tuy nguồn thu cho việc giữ rừng còn khá thấp nhưng với người dân, giá trị từ rừng là những thứ lớn hơn.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh hiện đang quản lý gần 42.000 ha rừng, trải dài trên địa bàn ba huyện Đăk Đoa, Mang Yang và Kbang. Đây cũng là địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô do nằm sát khu vực canh tác của người dân. Trong nhiều năm nay, ý thức phòng chống cháy rừng trong cộng đồng đã được nâng cao. Với mỗi người dân, bảo vệ rừng bây giờ đã là một trách nhiệm.
Gắn trách nhiệm của người dân với bảo vệ rừng là điều mà ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã thực hiện. Các cán bộ phối hợp chặt chẽ với các tổ cộng đồng dân cư thường xuyên tuần tra, bám sát địa bàn và chủ động xây dựng phương án 4 tại chỗ.
Hiện nay, gần một nửa diện tích rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã được giao khoán cho 26 tổ cộng đồng với hơn 700 hộ thuộc 7 xã khu vực vùng đệm tham gia bảo vệ. Điều này đã càng cho thấy rõ vai trò của người dân trong việc giữ rừng.
Công tác phòng chống cháy rừng sẽ cần phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới bởi dự báo mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ còn kéo dài đến đầu tháng 5. Dự báo trong giai đoạn này, nắng mạnh và gay gắt hơn. Biểu hiện là sẽ có nhiều đợt nắng nóng diễn ra. Tây Nguyên có thể xuất hiện mức nhiệt 35-37 độ C, Nam Bộ còn nóng hơn, 35-38 độ C, có nơi có thể lên đến 39 độ C.
Bên cạnh đó, mưa trái mùa ít, lượng mưa sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên không khí khô hơn, độ ẩm thấp sẽ kéo dài. Nắng liên tục 10 tiếng trong ngày khiến độ ẩm trong không khí chỉ khoảng 30%-45%. Như vậy, có nghĩa là nguy cơ cháy rừng vẫn có khả năng kéo dài khoảng 2 tháng nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!