Rà soát các loại hình kinh doanh nhạy cảm, tiềm ẩn phức tạp về ma túy

Theo Báo Chính phủ-Thứ sáu, ngày 13/01/2023 06:00 GMT+7

Cơ quan Công an Đắk Lắk kiểm tra quán bar tại TP. Buôn Ma Thuột, phát hiện hàng chục đối tượng dương tính với chất ma tuý vào tháng 6/2022 - Ảnh: Công an Đắk Lắk

VTV.vn - Hiện nay có khoảng 3.890 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), năm 2022, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy lợi dụng hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự ANTT tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng trở lại, nhất là sau thời điểm dịch COVID-19 được kiểm soát, các dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke, massage... được phép hoạt động trở lại.

Các đối tượng nghiện, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy sau thời gian dài bị cấm có xu hướng tập trung đến đây để vui chơi và sử dụng ma túy. Các chủ cơ sở do thời gian dài đóng cửa, khó khăn về kinh tế nên cũng có xu hướng dễ thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các hành vi sử dụng ma túy, "bóng cười" của khách hàng.

Tại nhiều cơ sở kinh doanh, khi kiểm tra đã phát hiện cả trăm người dương tính với chất ma túy, tập trung chủ yếu là giới trẻ, lứa tuổi từ 16 đến 35. Thậm chí, có những cơ sở trong thời gian ngắn đã liên tục phát hiện số lượng lớn đối tượng tụ tập đến để sử dụng trái phép chất ma túy, xử lý hình sự hàng chục đối tượng liên quan đến ma túy.

Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh "trá hình", "lách luật" dưới dạng bar, pub, lounge, câu lạc bộ, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh... nhưng có quy mô, tính chất hoạt động như vũ trường với sức chứa lên đến hàng trăm người. Việc cấp phép hoạt động cho loại hình kinh doanh này tương đối đơn giản, không phải chấp hành các quy định đảm bảo về ANTT theo Nghị định 96/2016/CP và các quy định về mở vũ trường theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP.

Hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó lại với sự phát hiện, đấu tranh của các cơ quan chức năng, như: Sử dụng nhân viên và hệ thống camera dày đặc để giám sát, cảnh giới; sử dụng mạng xã hội để trao đổi, liên lạc và xóa ngay theo ngày; yêu cầu trình CCCD/CMND trước khi đến để kiểm tra; khách đến phải liên lạc trước, đối với khách lạ, do người khác giới thiệu thì phải gửi ảnh, khi nhận đúng mặt và thường xuyên cử nhân viên vào để kiểm tra xem khách sử dụng ma túy hay không; thường xuyên đóng cửa, thậm chí treo biển dừng hoạt động; tạo nhiều lớp cửa ở khu vực bay, lắc, thậm chí thiết kế cả lối thoát hiểm cho khách khi có động...

Ngoài ra, thời gian gần đây đang có xu hướng thuê các căn hộ cao cấp, sau đó sửa chữa lại biến thành các phòng kinh doanh. Các đối tượng liên lạc, thỏa thuận với nhau qua điện thoại, mạng xã hội và chuyển tiền qua tài khoản mà không cần phải biết nhau hay trực tiếp gặp nhau. Đối tượng cho thuê thường sử dụng tên giả, sim rác là tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng giả... để trao đổi, giao dịch nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Đối với tội phạm lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm, trong năm 2022, lực lượng Công an trên toàn quốc đã đấu tranh 1.563 vụ, xử lý hình sự 2.863 đối tượng; xử lý hành chính 6.576 đối tượng có các hành vi liên quan đến ma túy và vi phạm khác tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm.

Trong năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tập trung nghiên cứu, rà soát, tập hợp các khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý đối với các hành vi chứa chấp, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, để từ đó tổng hợp, đề xuất lãnh đạo Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng kiến nghị TANDTC có hướng dẫn cụ thể đối với chương "Tội phạm về ma túy".

Đồng thời phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội rà soát, đánh giá các loại hình kinh doanh nhạy cảm có điều kiện, yếu tố tiềm ẩn phức tạp về ma túy, "bóng cười" để đề xuất bổ sung vào danh mục các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP để quản lý, đặc biệt là loại hình như quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng ăn uống sử dụng nhạc mạnh, có quy mô và tính chất hoạt động như vũ trường.

Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho thủ trưởng Công an các cấp để tham mưu các cấp ủy, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng phối hợp với chặt chẽ với lực lượng Công an siết chặt công tác quản lý nhà nước, nhất là trong thẩm định, cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động, tăng cường phối hợp kiểm tra đối với các loại hình kinh doanh dễ phát sinh và thường xuyên diễn ra hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy, "bóng cười".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước