Robot đào hầm "Thần tốc" đã đi qua khu dân cư, cuộc sống người dân trở lại bình thường

Phùng Anh-Chủ nhật, ngày 23/02/2025 16:50 GMT+7

VTV.vn - Đại diện MRB cho biết, đến 15 giờ ngày 22/2 hiện tượng phụ gia khoan hầm bị phun lên mặt đất đã chấm dứt hoàn toàn. Máy đào hầm TBM đã đi qua khu vực dân cư an toàn.

Liên quan đến sự cố phụ gia khoan hầm tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội bị phun lên mặt đất khiến hàng loạt hộ dân sinh sống tại khu vực ngõ 7 phố Giang Văn Minh, phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) bị ảnh hưởng, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, máy đào hầm TBM 1 mang tên "Thần tốc" đã đi qua khu vực dân cư an toàn.

Cũng theo MRB, công tác vệ sinh ngõ phố đã hoàn thành, cuộc sống sinh hoạt của người dân tại đây đã trở lại bình thường. Bên cạnh đó, vào ngày 22/2 đại diện MRB đã tiến hành đến thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Phía MRB sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cũng như ổn định cuộc sống cho bà con trong khu vực.

Robot đào hầm Thần tốc đã đi qua khu dân cư, cuộc sống người dân trở lại bình thường - Ảnh 1.

Công tác dọn dẹp vệ sinh khu vực dân cư ngõ 7 phố Giang Văn Minh đã được hoàn thành vào ngày 23/2. (ảnh: MRB)

"Chủ đầu tư cùng đội ngũ tư vấn và các nhà thầu đang duy trì nghiêm ngặt các biện pháp an toàn trong suốt quá trình khoan hầm. Công tác giám sát tiến độ thi công và các yếu tố kỹ thuật được thực hiện chặt chẽ, đồng thời dữ liệu về công trình ngầm được cập nhật và kiểm tra chi tiết nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro", Đại diện MRB cho hay.

Bộ đôi máy TBM (Tunnel Boring Machine) được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, hiện đang hoạt động song song. Máy TBM1 mang tên "Thần tốc" đã đào được hơn 1,2 km hầm, trong khi máy TBM2 có tên "Táo bạo" mới bắt đầu khoan hầm cách đây vài tuần.

Sự cố phụ gia khoan hầm bị phun lên mặt đất xảy ra vào khoảng 15 giờ chiều ngày 20/2. Sau khi nhận được thông tin, MRB đã huy động hơn 100 công nhân và máy móc để khắc phục sự cố. Đến ngày 22/2, bùn đất vẫn tiếp tục trào lên khu vực dân cư ngõ 7 phố Giang Văn Minh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân. Hiện tượng bùn đất phun trào lên mặt đất chấm dứt khi máy đào hầm TBM đi qua khu vực này vào lúc 15h ngày 22/2.

Tất cả cư dân trong khu vực đề nghị các cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục triệt để sự cố lần này và chủ động phòng ngừa trong tương lai, đặc biệt khi vẫn còn một máy đào hầm nữa sẽ thi công qua đây.

Robot đào hầm Thần tốc đã đi qua khu dân cư, cuộc sống người dân trở lại bình thường - Ảnh 2.

Hiện tại, máy đào hầm TBM 1 đã đi qua khu vực dân cư an toàn. (ảnh: MRB)

Về nguyên nhân sự cố phụ gia khoan hầm bị phun lên mặt đất, đại diện MRB cho biết trong quá trình khoan hầm, việc xảy ra sự cố là khó tránh khỏi. Khi thực hiện khoan hầm bằng robot TBM, đơn vị thi công áp dụng công nghệ cân bằng áp lực đất. Máy tạo áp lực lên nền đất trước mũi khoan nhằm duy trì sự cân bằng áp lực và ngăn chặn tình trạng sụt lún phía trên.

Để tạo áp lực cần thiết, nhà thầu sử dụng một loại vữa có phụ gia khoan hầm nhằm gia cố nền đất phía trước, đồng thời trộn với đất để đưa ra phía sau. Quá trình bơm vữa áp lực sẽ diễn ra bình thường nếu trong đất không tồn tại các lỗ rỗng.

Theo giải thích của nhà thầu, khu vực máy khoan đi qua có thể tồn tại những giếng khoan cũ mà người dân từng sử dụng nhưng đã bị bỏ hoang, không được lấp lại, tạo thành các khoảng trống dưới lòng đất. Ngoài ra, các vết nứt trong đất cũng có thể là nguyên nhân khiến vữa khoan tràn lên bề mặt.

Trước khi thi công, nhà thầu đã lập danh sách chi tiết các rủi ro có thể xảy ra và đề ra giải pháp nhằm hạn chế, phòng ngừa cũng như giảm thiểu tác động của sự cố. Việc bùn trào lên mặt đất đã được dự báo từ trước. Để đảm bảo ổn định nền đất trong quá trình khoan, nhà thầu buộc phải thi công dưới áp lực cao nhằm duy trì sự ổn định của lòng đất và hạn chế tác động lên bề mặt.

Ông Salvatore, Trưởng nhóm kỹ sư TBM lý giải: "Trong tình huống này, chúng tôi chấp nhận phương án để bùn phun trào và tiến hành dọn dẹp sau đó, thay vì giảm áp lực khoan. Nếu giảm áp lực, nền đất có thể trở nên bất ổn định, gây sụt lún nghiêm trọng hơn và dẫn đến những rủi ro lớn hơn".

Lãnh đạo UBND phường Kim Mã cho biết, chiều 21/2, chính quyền phường đã mời cán bộ cơ sở và đại diện người dân bị ảnh hưởng để thông tin về nguyên nhân, mức độ tác động của sự cố.

Vị lãnh đạo này thông tin, chủ đầu tư cam kết sự cố không ảnh hưởng đến các công trình khác, môi trường hay sức khỏe người dân. Đồng thời, đơn vị thi công sẽ dọn dẹp sạch chất phụ gia, khôi phục vệ sinh ngõ xóm về trạng thái ban đầu và tiến hành rà soát, khắc phục, đền bù toàn bộ thiệt hại cho những hộ dân bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, trong trường hợp có những thiệt hại, hỏng hóc về tài sản của các gia đình nằm trong tuyến nhà thầu sẽ có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người dân.

"Trong quá trình khoan hầm, hợp đồng MRB ký với nhà thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm trong việc quan trắc, giám sát các công trình trên tuyến hầm. Nhà thầu đã lắp đặt đầy đủ các thiết bị trên các tòa nhà, trên các công trình mà tuyến hầm đi qua để quan trắc và theo dõi. Nhà thầu cũng đã phải mua bảo hiểm cho các sự cố nếu có, do vậy trong trường hợp nếu có hư hại đối với các công trình thì nhà thầu sẽ phải có trách nhiệm đền bù các thiệt hại đó", ông Sơn nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước