Từ trái qua: PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, TS.BS Lê Văn Tuấn và MC Thúy Hằng ở trường quay TP.HCM trong chương trình tư vấn trực tuyến ngày 11/1.
Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chẩn đoán & Điều trị hiệu quả chóng mặt, rối loạn tiền đình" vào 20h tối ngày 11/01/2024.
Rối loạn tiền đình ngày càng trẻ hóa
Rối loạn tiền đình là bệnh lý phổ biến liên quan đến rối loạn thăng bằng, gồm 2 dạng rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng rối loạn tiền đình có thể ít xuất hiện với tần suất thấp, người bệnh chỉ có biểu hiện như mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt, mất thăng bằng gây té ngã. Trường hợp tiến triển nặng, bệnh nhân có thể không thể ngồi dậy sau giấc ngủ, buồn nôn, nôn, mở mắt thấy chao đảo, quay cuồng…
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hội chứng rối loạn tiền đình thường gặp ở người lớn tuổi do sự suy giảm các chức năng cơ thể. Tuy nhiên xu hướng người trẻ mắc rối loạn tiền đình ngày càng tăng. Nguyên nhân khiến chức năng tiền đình ở người trẻ bị rối loạn có thể do stress, ít nghỉ ngơi, môi trường ô nhiễm hoặc mắc các bệnh lý viêm tế bào thần kinh tiền đình, bệnh chóng mặt kịch phát lành tính, rò ống bán khuyên, viêm tai trong… Đây đều là những nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt điển hình của bệnh rối loạn tiền đình.
Dấu hiệu tiền đình có sự khác nhau giữa nguyên nhân ngoại biên và trung ương. Các triệu chứng rối loạn tiền đình ngoại biên biểu hiện bằng các cơn choáng váng, chóng mặt tùy mức độ của giai đoạn bệnh. Triệu chứng nhẹ thường xuất hiện trong thời gian ngắn, khi người bệnh thay đổi tư thế hoặc lắc đầu. Nghiêm trọng hơn, bệnh tiến triển khiến người bệnh chóng mặt dữ dội, ù tai, giảm thính lực, buồn nôn, nôn ói, khó tập trung, thậm chí giảm nhịp tim, vã mồ hôi, té ngã...
TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thông tin, bệnh nhân mắc rối loạn tiền đình trung ương thường gặp các tổn thương hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến chóng mặt, nôn ói, yếu liệt nửa người, nói khó, rung nhẹ nhãn cầu… Đây là hệ quả của sự tổn thương nhân tiền đình, các đường liên hệ các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể do tai biến mạch máu não, bệnh lý viêm não, u não. Rối loạn tiền đình trung ương nguy hiểm hơn, để lại biến chứng lâu dài nếu không điều trị kịp thời.
Khoảng 90% tổn thương tiền đình ngoại biên
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội nhấn mạnh, khoảng 90% bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên.
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ tư vấn trong chương trình.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ekip bác sĩ luôn tiến hành kiểm tra cẩn thận từng cơ quan như mắt, tai, hệ thống tiền đình, đường dẫn truyền từ tai vào não và hệ thống não nhằm xác định nguyên nhân gây nên các triệu chứng.
Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống đo chức năng tiền đình bằng công nghệ ảnh động nhãn đồ (Videonystagmography - VNG), các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Anh có thể đánh giá chính xác sự vận động của mắt ngay cả những thay đổi nhỏ nhất, phân tích các vận động bất thường. Từ đó nhanh chóng tìm ra nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình, đồng thời xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp.
Công nghệ ảnh động nhãn đồ (VNG) đo chức năng tiền đình cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm Anh.
Công nghệ tiên tiến điều trị rối loạn tiền đình hiệu quả
Đối với các bệnh lý rối loạn tiền đình đã xác định rõ nguyên nhân, Phó giáo sư Minh Kỳ khuyến nghị bệnh nhân điều trị theo đúng phác đồ, kết hợp thay đổi lối sống, vận động.
Phó giáo sư Chung Thủy cho biết tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, công nghệ ảnh động nhãn đồ VNG ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát hiện, phân loại và đánh giá mức độ rối loạn tiền đình ở người bệnh. Đồng thời các số liệu phân tích có khả năng loại trừ các nguyên nhân chóng mặt do bệnh lý khác.
Bên cạnh đó, hệ thống tập phục hồi chức năng tiền đình (TRV) hiện đại được áp dụng trong điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên do thạch nhĩ lạc chỗ (sỏi lạc ốc tai). Bệnh nhân ngồi cố định và ghế xoay 360 độ, hỗ trợ tái định vị hệ thống sỏi ốc tai, phù hợp điều trị cho bệnh nhân rối loạn tiền đình do thạch nhĩ lạc chỗ ở các ống bán khuyên. Hệ thống có thể được lập trình những góc khó, phù hợp cho từng vị trí của các ống bán khuyên khác nhau, phù hợp từng tình trạng bệnh, mọi độ tuổi, kể cả người già trên 90 tuổi.
Bệnh nhân tập phục hồi chức năng tiền đình bằng hệ thống TRV tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Rối loạn tiền đình có thể điều trị dứt điểm, hạn chế nguy cơ tái phát và biến chứng lâu dài nếu người bệnh điều trị đúng, tích cực. Khi có các dấu hiệu như chóng mặt, quay cuồng, rối loạn thị giác, thính giác, giảm khả năng tập trung…, người bệnh nên thăm khám tại các bệnh viện có sự phối hợp chuyên khoa Tai Mũi Họng, Nội thần kinh với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Người bệnh không nên tự ý điều trị, châm cứu, massage, bấm huyệt… nếu chưa rõ căn nguyên bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Các loại thuốc hay các bài tập phục hồi chức năng tiền đình có thể có tác dụng với người này, nhưng lại ít hiệu quả với người khác. Tự ý sử dụng thuốc hay tập luyện sai cách không có sự hướng dẫn của chuyên gia có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn", Phó giáo sư Chung Thủy nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!