Đưa đón học sinh hiện nay đã trở thành một dịch vụ không thể thiếu đối với nhiều trường học, ở các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sau nhiều vụ việc đau lòng xảy ra như bỏ quên học sinh trên xe hoặc đang chạy xe bung cửa văng học sinh ra ngoài… đã tiếp tục đặt ra yêu cầu cần giám sát, kiểm tra chặt chẽ đối với loại hình dịch vụ này để đảm bảo an toàn.
Tại địa bàn Hà Nội, ngày 7/9 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có công văn yêu cầu quản chặt xe đưa đón học sinh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu "xe hợp đồng", đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường không ký hợp đồng với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện.
Vậy nhưng, trong những ngày cuối tháng 10, tại xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, bằng camera giấu kín, nhóm phóng viên VTV đã ghi được những hình ảnh đáng lo ngại.
7h đều đặn mỗi ngày, một chiếc xe lại xuất hiện để thực hiện công việc quen thuộc - đưa học sinh đến Trường Tiểu học Phúc Tiến, thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Để đảm bảo lưu thông an toàn, điều kiện bắt buộc với mỗi phương tiện là phải còn thời hạn sử dụng và được cơ quan đăng kiểm cấp phép đủ điều kiện hoạt động trên đường. Đặc biệt là đối với các phương tiện đưa đón học sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định này vì ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của nhiều người. Vậy nhưng, chiếc xe này, theo thừa nhận từ chính người điều khiển phương tiện, đã hết hạn sử dụng từ lâu và giờ có thể xếp vào diện đồ cổ.
"Rõ ràng nó là cổ rồi, bây giờ còn đăng kiểm gì nữa. Xe này 30-40 chục triệu đồng chứ mấy. Còn không có người mua ấy, hoặc chỉ mua để tháo lấy đồ..." - Lái xe đưa đón học sinh cho biết.
Chẳng những không được đăng kiểm, chủ xe còn tự ý cải tạo, thay đổi toàn bộ nội thất, tự hàn và chế thêm những hàng ghế thô sơ để chở được tối đa số lượng học sinh. Trong khi, vốn dĩ, theo thiết kế, đây chỉ là dạng xe 9 chỗ ngồi.
Lái xe tiết lộ thêm: "Xe chở được khoảng hơn 20 cháu. Xe phải cải tạo thế thì mới ngồi được nhiều..."
Vì đã hết hạn sử dụng nên lưu thông ra đường là rủi ro luôn rình rập bất cứ lúc nào. Thế nên, chủ xe thiết kế thêm một hàng rào phía cuối với mong muốn để giảm thiểu nguy cơ. Vì trước đó, ở nơi khác đã có những sự cố xảy ra dẫn đến việc văng trẻ ra ngoài.
"Nguy hiểm lắm, lỡ xảy ra cái gì là mình chịu hậu quả đầu tiên. Hàn vào cho chắc ăn luôn..." - - lái xe bộc bạch.
Trong những ngày cuối tháng 10, theo ghi nhận của phóng viên, ít nhất 4 phương tiện xe ô tô cũ nát thường xuyên đưa đón học sinh tại Trường Tiểu học xã Phúc Tiến. Một điểm chung, các xe này đều đã cải tạo hệ thống ghế ngồi từ những xe đã hết niên hạn sử dụng, không đủ điều kiện lưu thông ra đường. Tuy nhiên, chúng vẫn được sử dụng bởi theo tài xế xe đưa đón, mua xe đẹp đi chả mấy mà trẻ phá hỏng xe, xước sơn lung tung, chả mấy mà trượt giá.
Với đặc điểm nhỏ gọn, cơ động, có thể dễ dàng len lỏi vào khắp khu dân cư để đưa đón học sinh, vì không có người quản lý trên xe nên trong suốt chặng đường di chuyển, những đứa trẻ vô tư đùa nghịch, thậm chí, liên tục ngoái cổ ra bên ngoài.
Theo chia sẻ của lái xe chuyên đưa đón học sinh, bỏ qua những nguy cơ rủi ro, thì lý do việc sử dụng những xe cũ nát vẫn được phụ huynh học sinh đồng thuận vì chi phí thấp, từ 200.000-300.000 đồng/cháu/tháng, trong khi một ngày đưa đón 4 lần cả đi lẫn về.
Trong khi đó, chi phí đưa đón thấp đồng nghĩa với việc học sinh phải chấp nhận rủi ro. Nếu không may xảy ra sự cố, cơ quan quản lý sẽ có vai trò gì?
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên, lãnh đạo UBND xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên cho biết, sẽ kiểm tra để xử lý tình trạng xe cũ nát đưa đón học sinh đến trường đang xảy ra tại địa bàn.
Ông Lê Văn Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội cho biết: "Sẽ mời chủ xe đến làm việc. Xe hết hạn đăng kiểm sẽ báo cáo với huyện để dừng hoạt động. Tính mạng của các cháu là quan trọng. Quan trọng hơn tất cả các việc khác. Chúng tôi sẽ có giải pháp làm sao để chấm dứt hẳn việc này".
Theo phản ánh của người dân, những chuyến xe cũ nát đưa đón học sinh đến trường trên địa bàn xã đã diễn ra từ hơn 1 một năm nay.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng như theo báo cáo từ các địa phương, hiện nay, đối với xe ô tô chở học sinh đang được các Sở GTVT cấp phép hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, buộc phải được Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và xe phải được cấp phù hiệu, gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Quy định cụ thể là như vậy, nhưng tại sao, những chiếc xe cũ nát, hết niên hạn sử dụng như trên vẫn có thể lưu thông bình thường trên đường mà không bị xử lý? Qua câu chuyện này, một lần nữa đặt ra yêu cầu cần kiểm soát, giám sát chặt chẽ với các phương tiện thực hiện loại hình đưa đón học sinh này.
Tình trạng xe cũ nát đưa đón học sinh: Địa phương... chưa nắm được
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên cho biết, hiện xã chỉ nắm được thông tin có xe đưa đón học sinh tại Trường tiểu học Phúc Tiến. Còn tình trạng xe cũ nát, đã hết niên hạn sử dụng thì phía xã lại chưa rõ, vì chưa từng nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh và nhà trường, dù thực tế, Trường Tiểu học xã Phúc Tiến chỉ cách UBND xã khoảng… 300m.
Ông Lê Văn Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội khẳng định: "Đến giờ này, toàn bộ đưa đón các cháu toàn là xe MEC, xe đủ điều kiện. Liên quan phản ánh của PV về tự chế ghế bên trong không đảm bảo để tham gia giao thông, tới đây chúng tôi sẽ phản ánh tới Công an huyện Phú Xuyên để xử lý.
Đối với địa phương thì xe hết niên hạn sử dụng không nắm được. Xe MEC chỉ nghĩ là xe thanh lý bán cho chủ xe. Khi tham gia giao thông chúng tôi biết việc này".
Còn theo lãnh đạo Trường Tiểu học xã Phúc Tiến, việc thuê xe đưa đón hoàn toàn do sự thỏa thuận giữa phụ huynh với chủ xe. Qua thống kê có khoảng 100 em học sinh đang sử dụng dịch vụ xe đưa đón hàng ngày. Liên quan đến tình trạng xe cũ nát có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phía nhà trường cũng đã nắm được vì qua nhiều lần hỏi giấy tờ liên quan, một số chủ xe đã không xuất trình được.
Bà Tạ Thị Kim Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội chia sẻ: "Nhà trường gặp gỡ với chủ xe và yêu cầu chủ xe đảm bảo an toàn. Dù nhà trường biết như thế nhưng đã phối hợp cùng gia đình. Có nhiều cuộc gặp gỡ phụ huynh học sinh trao đổi về vấn đề này nhưng gia đình không có thời gian đưa đón con nên đã xảy ra tình trạng như vậy".
Phần lớn phụ huynh học sinh ở Trường tiểu học Phúc Tiến là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Hà Nam không có thời gian đưa đón con nên buộc phải hợp đồng với chủ xe. Thực tế này đã được phía trường báo cáo tới Phòng Giáo dục và UBND huyện Phú Xuyên trong biểu mẫu thống kê tình trạng xe đưa đón học sinh vào đầu năm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, trong báo cáo chỉ nêu phụ huynh tự thuê dịch vụ xe đưa đón. Còn phương tiện có đảm bảo an toàn hay không thì lại không đủ chức năng và chuyên môn để đánh giá. Theo bà Kim Quý, cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền.
Trong cuộc nói chuyện với một chủ xe, người này đã tiết lộ lý do vì sao xe cũ nát, không được đăng kiểm, không còn thời hạn sử dụng vẫn có thể lưu thông đưa đón học sinh là "Chạy ở ngay đây đóng "luật" là xong"
Thực tế diễn ra có đúng như lời chia sẻ của chủ xe này hay không có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới có thể khẳng định và biết chính xác được.
Còn điều mà trước mắt, ai cũng nhìn thấy và dễ dàng nhận ra là hàng ngày, những chiếc xe cũ nát ấy vẫn đều đặn hàng ngày lưu thông trên đường để đưa đón học sinh thì lại đang vô hình trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!