Ước tính mức tiêu thụ khí gas ở Việt Nam vào khoảng 2 triệu tấn/năm. Khí gas ở Việt Nam được sử dụng trong dân dụng, thương mại và các ứng dụng công nghiệp. Với đa số người dân, gas được sử dụng hàng ngày nên an toàn chính là vấn đề đáng quan tâm nhất. Nhưng có một thực tế đáng báo động là hiện có khoảng 30% gas trên thị trường là giả, nghĩa là gas được sang chiết trái phép.
Phức tạp nạn gas giả
Sự xuất hiện người lạ đều rất dễ bị phát hiện nhưng không còn cách nào khác ngoài con đường độc đạo để có thể tiếp cận trạm sang chiết gas trái phép ở Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Các đối tượng luôn cảnh giác tối đa nên sự xuất hiện của nhóm phóng viên đã bị phát hiện.
Thế nhưng, kiên trì dùng nhiều biện pháp, mọi bằng chứng về hành vi sang chiết gas trái phép đã được ghi lại. Rất nhiều vỏ bình gas của các thương hiệu gas như VT, Saigon Petro, Gia Đình đã bị sang chiết trái phép.
Đều đặn mỗi ngày có khoảng từ 2 đến 3 xe bồn với hàng chục tấn gas cấp cho trạm sang chiết gas trái phép Long Sơn. Một lượng gas được sang chiết vô cùng lớn như vậy và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thật khó tin rằng, tỉnh Đồng Nại không hề biết trạm sang chiết gas trái phép này.
Trong khoảng từ 30 - 40 phút, các đối tượng có thể sang chiết được vài trăm bình gas giả. Sang chiết trái phép đồng nghĩa với việc các quy trình về an toàn đều bị bỏ qua. Việc tiêu thụ gas được sang chiết trái phép hiện nay khá phổ biến ở nhiều địa phương. Từ người dân đến các đại lý bán gas hầu hết chỉ quan tâm đến giá rẻ.
Liên tiếp những vụ nổ khí gas, rất nhiều vụ sang chiết gas trái phép thường chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, trong khi lợi nhuận thu được rất lớn và hậu quả khôn lường.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra vào lúc này là các trạm sang chiết gas giả sẽ lấy vỏ bình gas ở đâu để hành nghề trái phép? Câu trả lời đó là chiếm dụng của các doanh nghiệp khác và đây đã trở thành vấn nạn trong hoạt động kinh doanh gas gây thiệt hại cho các nhà kinh doanh gas chân chính, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Gas giả “lũng đoạn” thị trường
Không ít bình gas được bày bán trong 1 tiệm tạp hóa ở khu vực thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Theo thông số kỹ thuật thể hiện, bình gas này có 17 năm không được tái kiểm định. Nghĩa là trong suốt thời gian đó, bình gas này trôi nổi trên thị trường và không được công ty sản xuất ra nó sử dụng. Vấn đề là ngay cả chủ cửa hàng cũng không biết bình gas mình bán có đảm bảo an toàn hay không.
"Em chỉ biết nhìn hình đấy thôi chứ mấy cái đóng bên cạnh em cũng không hiểu là cái gì" - chủ cửa hàng bán gas tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai nói.
Theo quy định, bình gas của các doanh nghiệp sẽ được các cơ quan kiểm định định kỳ 5 năm/1 lần, có số seri để theo dõi tình trạng an toàn qua thời gian sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng các trạm sang chiết trái phép thu mua, chiếm dụng vỏ bình bỏ qua quy trình về kiểm định diễn ra rất phổ biến.
Các quy định hiện hành cho phép thương nhân kinh doanh được phép thuê vỏ bình gas mà không phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Theo các doanh nghiệp: Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi xảy ra cháy nổ sẽ không thể gắn hay quy trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị.
Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, từ doanh nghiệp đầu mối đến hệ thống phân phối phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn cháy nổ, tuy nhiên những bất cập về việc không quản lý được vỏ bình gas, không xác định rõ trách nhiệm của từng khâu trong từng bộ phận đã khiến cho tình trạng mua bán vỏ bình ngày càng phức tạp, theo đó nạn sang chiết gas trái phép cũng ngày càng gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!