Khoảng 3 tháng trở lại đây, tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận hàng chục vụ sạt lở bờ sông, bờ biển khiến nhiều căn nhà bị nhấn chìm, công trình giao thông bị chia cắt. Theo số liệu của Ủy ban Phòng chống thiên tai, hiện có tới gần 600 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài lên tới gần 800 km.
Những ngày này, đi dọc khu vực bờ sông, bờ biển thuộc các huyện: Châu Thành, Bình Đại, Ba Tri… của tỉnh Bến Tre, rất dễ nhận thấy cảnh tan hoang ở nơi đây. Nhiều đoạn sạt lở sâu vào bờ phơi ra những lớp đất đá, móng gạch vỡ nát của những căn nhà bỏ không vì chủ nhân đã bỏ đi từ bao giờ.
Không riêng tại tỉnh Bến Tre, dọc theo các cù lao của sông Tiền và sông Hậu cũng như tại hàng loạt tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, An Giang, tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhà cửa, đất đai cứ liên tục bị kéo tụt xuống lòng sông trước sự bất lực của người dân. Nhiều gia đình phải liên tục di chuyển chỗ ở, không ổn định sản xuất, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia nghiên cứu hệ sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc điểm của sạt lở bờ sông Đồng bằng sông Cửu Long là "ăn" đứt chân bờ, nhiều khi người dân sống bên trên không hay biết gì và thường diễn ra ở cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Những nơi dễ sạt lở nhất là thường là đoạn sông cong. Nhiều khu vực vốn dĩ chưa từng bao giờ sạt lở thì nay cũng không còn an toàn… Và tình hình sạt lở đã lan khắp Đồng bằng sông Cửu Long.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!