Sẽ có vaccine COVID-19 "made in Vietnam" vào năm 2021?

Lan Chi-Thứ tư, ngày 22/07/2020 17:00 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn - Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế), Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng ký sử dụng vaccine COVID-19.

Thông tin trên được TS Nguyễn Ngô Quang chia sẻ trong buổi Hội thảo "Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam" diễn ra sáng 22/7 tại Hà Nội.

"Cố gắng đến năm 2021 có thể có vaccine COVID-19 của Việt Nam" - TS Nguyễn Ngô Quang nói.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ rút ngắn thời gian các quy trình: Nghiên cứu sản xuất; Kiểm định; Thử nghiệm lâm sàng, Cấp phép lưu hành; Theo dõi sử dụng vaccine. Ở một số khâu, việc theo dõi, kiểm định sẽ được rút ngắn về hồ sơ, thời gian và song song tiến hành nhiều khâu.

Ví dụ, ở khâu thử nghiệm lâm sàng, sau khi có kết quả giai đoạn 1 có thể chuyển sang ngay thử nghiệm giai đoạn 2 và tiếp tục theo dõi giai đoạn 1, không chờ hoàn tất giai đoạn 1 như thông thường.

TS Nguyễn Ngô Quang cũng nhấn mạnh rằng dù rút ngắn thời gian các quy trình nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng của vaccine. Vaccine sản xuất ra phải có tác dụng phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dựa trên những bằng chứng khoa học cũng như tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.

Tại hội thảo sáng nay, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại, có 4 nhà sản xuất trong nước nước (VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN) đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19 và bước đầu đều cho kết quả khả quan. Dẫn chứng IVAC từng sản xuất thành công vaccine cúm nhờ sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi và hiện tại đang ứng dụng công nghệ này để sản xuất vaccine COVID-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: "Chúng tôi thấy cách làm này có tính khả quan, sẽ sớm đưa vaccine này vào thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay".

Sẽ có vaccine COVID-19 made in Vietnam vào năm 2021? - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng COVID-19 trong nước là hết sức quan trọng". (Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống)

Cũng theo GS.TS. Nguyễn Thanh Long, khi đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công, việc sản xuất vaccine là ưu tiên của tất cả các quốc gia, viện nghiên cứu, nhà sản xuất với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường. Cùng với đó, việc làm chủ nguồn cung cấp vaccine COVID-19 trong nước cũng hết sức quan trọng.

"Nếu không có vaccine thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu, toàn nhân loại", GS.TS. Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Việt Nam đã có Hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do đó, nếu sản xuất thành công vaccine COVID-19 "made in Vietnam" thì có thể xuất khẩu, góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vaccine. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vaccine để có vaccine cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới nhanh nhất".

Đến nay, trên toàn cầu có 24 loại vaccine tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3, trong đó có những vaccine được đánh giá có kết quả khá tốt.

Ba loại vaccine cho kết quả thử nghiệm khả quan, có đáp ứng miễn dịch tốt với chủng SARS-CoV-2 là vaccine do CanSino Biologics của Trung Quốc nghiên cứu, vaccine hợp tác giữa Đại học Oxford và Công ty Dược Astrazeneca, vaccine của Pfizer với German binotech BioNTech phát triển.

Đến ngày 15/7, trên toàn cầu có 163 ứng viên vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển, 23 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (trong đó có các vaccine của Việt Nam).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước