Cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM chiều ngày 1/10 (Ảnh: VGP)
Tại buổi họp báo định kỳ chiều 1/10, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch trên địa bàn Thành phố có những tín hiệu rất lạc quan khi số ca nhiễm mới, số bệnh nhân nặng và số người tử vong giảm mạnh.
Cụ thể, từ ngày 27/9 đến ngày 30/9, số bệnh nhân nặng đang thở máy giảm từ 1.793 trường hợp xuống còn 1.568 trường hợp. Trong ngày 30/9, có 2.046 người nhập viện, trong khi đó, có 2.866 người xuất viện. Đặc biệt, số ca tử vong tiếp tục giảm nhanh.
Bệnh viện không được thu thêm tiền của bệnh nhân COVID-19
Về việc thu phí điều trị COVID-19 tại các cơ sở tư nhân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã có văn bản về cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế chuyển đổi công năng. Trong đó, đối với người bệnh COVID-19, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí khám, chữa bệnh do COVID-19, bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc Remdesivir 100 mg, Molnupiravir 400 mg đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền... theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Đối với bệnh khác: Người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám, chữa các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT. Với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có), người bệnh phải tự chi trả theo quy định. Người không có thẻ BHYT sẽ tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Về các chi phí liên quan đến điều trị COVID-19, Sở Y tế tạm thanh toán cho cơ sở y tế tư nhân các chi phí bao gồm: Chi phí ăn uống 80.000 đồng/người bệnh/ngày, phí sinh hoạt 40.000 đồng/người bệnh/ngày. Trường hợp người bệnh điều trị COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân tử vong, ngân sách nhà nước sẽ chi trả các chi phí mai táng. Đồng thời, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị bệnh viện ngoài công lập không yêu cầu người mắc COVID-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí (như yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách nhà nước, thẻ BHYT...,); không được thu thêm chi phí điều trị bệnh COVID-19 của người bệnh.
Còn với các dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của ngân sách Nhà nước (tiền phòng và tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích theo yêu cầu của người bệnh...), bệnh viện tư nhân được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).
Tăng nguồn cung hàng hóa
Về vấn đề lưu thông hàng hóa sau khi Thành phố điều chỉnh các biện pháp phòng dịch, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 18, lượng hàng về TP Hồ Chí Minh đạt 5.137 tấn, tăng nhẹ so với ngày trước. Trong đó, các hệ thống phân phối hiện đại chiếm hơn 1.195 tấn; các doanh nghiệp bình ổn chiếm hơn 3.500 tấn; tại các chợ đầu mối chiếm hơn 800 tấn.
Hiện có 15/234 chợ truyền thống đang hoạt động, những ngày sắp tới, các quận, huyện, TP. Thủ Đức sẽ đánh giá điều kiện an toàn để xem xét mở lại. Đồng thời, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đang tìm giải pháp để tăng nguồn cung hàng hóa về Thành phố.
Đối với việc xét nghiệm COVID-19 cho các shipper, bà Ngọc cho hay, Sở Công Thương đã chuyển tất cả bộ kit xét nghiệm đến các doanh nghiệp, đơn vị. Sở cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế về kế hoạch xét nghiệm tiếp theo cho lực lượng này. "Sở luôn xem các shipper là lực lượng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch", bà Ngọc nói.
Người đã tiêm vaccine và có xét nghiệm âm tính được đến TP Hồ Chí Minh
Về phương án lưu thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo quy định của các bộ tiêu chí và công văn mà UBND TP Hồ Chí Minh gửi tới các tỉnh ngày 30/9 thì người đến Thành phố phải tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ 14 ngày và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Với các vùng lân cận, hiện nay do người qua lại giữa các tỉnh phải có ý kiến của địa phương nên Sở GTVT đang phối hợp với các tỉnh để đưa ra phương án. Ngày 2/10, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh sẽ họp với các tỉnh để bàn vấn đề này.
Về việc TP Hồ Chí Minh đưa ra 3 phương thức vận chuyển người ngoại tỉnh trở về, ông Bằng cho rằng sau khi mở cửa trở lại thì nhu cầu người lao động sẽ tăng cao, đòi hỏi phải đưa đón người lao động từ các địa phương về TP Hồ Chí Minh. Sở GTVT đang là đầu mối thực hiện việc này. Thành phố sẽ đón người về qua các đầu mối như ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức. Do vậy, hộ kinh doanh có thể đăng ký với quận, huyện, phường, xã, từ đó báo cáo về Sở GTVT để có phương án đón người lao động.
28.600 doanh nghiệp đã đăng kí mã QR
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh hướng dẫn doanh nghiệp có văn phòng chi nhánh tại đâu thì đăng kí mã QR tại đó. Việc này nhằm phục vụ khai báo y tế với tất cả những người đến công tác tại các doanh nghiệp, do vậy bất cứ địa điểm nào cũng phải đăng ký mã QR. Tính đến chiều ngày 1/10, có 28.600 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký lấy mã QR.
Hiện Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đang tổ chức một lực lượng riêng để hỗ trợ xử lý đề nghị của doanh nghiệp và chưa ghi nhận khó khăn trong quá trình triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!